Ở một cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn

07:01, 11/01/2019

Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hải Hậu (trước đây là Trung tâm Dạy nghề Hải Hậu) đã tích cực tiếp cận thị trường lao động để nắm bắt thông tin, từ đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lớp dạy nghề Điện lạnh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu.
Lớp dạy nghề Điện lạnh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu.

Đến nay Trung tâm đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với các trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, đa dạng về chủng loại. Từng là Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu cấp huyện của toàn quốc, Trung tâm có đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng nghề, nhất là các nghề có trình độ cao. Trung tâm đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề hàn điện, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, trồng nấm… có nhu cầu cao trong thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người có tay nghề ở địa phương làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Toàn huyện hiện có trên 29 vạn dân, trong đó gần 15 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 55% dân số. Hằng năm, Trung tâm khảo sát nhu cầu học nghề, phối hợp với các xã, thị trấn, công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đào tạo nghề theo nhu cầu. Căn cứ kế hoạch đào tạo nghề của UBND huyện hằng năm, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…, UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, cơ cấu nghề cần học, phân loại đối tượng học nghề theo độ tuổi, trình độ nhận thức làm căn cứ mở lớp dạy nghề phù hợp từng địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, phân loại lao động phù hợp với từng nghề, trong đó ưu tiên dạy nghề cho lao động tại những xã thuần nông, địa phương có nguồn lao động dồi dào, có nhu cầu học nghề cao. Để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia học nghề, Trung tâm mở lớp học tại các xã để bà con vừa học nghề, vừa tranh thủ làm việc gia đình. Ngành nghề được lựa chọn bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động như: nuôi lợn nái, lợn thịt, kỹ thuật chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, nuôi trồng thủy hải sản, may công nghiệp... Các chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học; trong đó chú trọng việc thực hành, rèn luyện tay nghề cho học viên. Từ năm 2016 đến 2018, Trung tâm đã mở 34 lớp dạy nghề cho 1.163 lao động nông thôn. Trong đó đào tạo nghề may công nghiệp 17 lớp (577 học viên), nghề mộc mỹ nghệ 3 lớp (102 học viên), nghề chăn nuôi lợn 7 lớp (245 học viên), nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh 4 lớp (135 học viên), nghề nuôi trồng thủy sản 2 lớp (70 học viên)… Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với một số trường trung cấp, cao đẳng nghề mở các lớp trung cấp nghề với các nghề may và thiết kế thời trang, mộc mỹ nghệ, công nghệ ô tô, điện công nghiệp... Theo kết quả khảo sát của Trung tâm, trên 80% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học nghề và làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đối với người lao động có nhu cầu làm việc tại nhà hoặc tự mở cơ sở sản xuất, Trung tâm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho người lao động. Nhiều lao động đã vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Thu nhập của người lao động trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng với các nghề: mộc mỹ nghệ, nghề điện công nghiệp, sửa chữa ô tô; thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng với nghề may công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi lợn. Thời gian gần đây, trước nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các công ty, doanh nghiệp ngày một tăng, Trung tâm đã từng bước điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng các ngành nghề mới như Trung cấp nghề điện lạnh, Điều khiển thi công máy cơ giới, Lễ tân, Chế biến món ăn, Chăn nuôi thú y, Bảo vệ thực vật... phù hợp yêu cầu xã hội.

Với những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hải Hậu đã trở thành địa chỉ dạy nghề tin cậy, là nguồn cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cho các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com