Nam Trực đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

08:01, 22/01/2019

Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Trực, trên địa bàn huyện hiện có 11,4 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 57% dân số. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện quan tâm chỉ đạo. Theo đó, hàng nghìn người đã được học nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Pan - Pacific (Nam Trực).
Sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Pan - Pacific (Nam Trực).

Để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương chủ động phối hợp thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2018, thực hiện Quyết định 1956, theo chỉ tiêu, huyện đã mở 8 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp cho 270 lao động, gồm 2 lớp nghề nông nghiệp (210 học viên) và 6 lớp nghề phi nông nghiệp chủ yếu là may công nghiệp (60 học viên). Bên cạnh đó, mỗi năm, huyện đều dành 120-150 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Riêng năm 2018, UBND huyện giao chỉ tiêu dạy nghề sơ cấp cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đào tạo nghề cho 130 học viên. Ngoài ra huyện còn tranh thủ các chương trình, dự án về đào tạo nghề của các ngành, đoàn thể, triển khai trên địa bàn. Năm 2018, huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Dạy nghề (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) mở 3 lớp dạy nghề sơ cấp với tổng số học viên 105 học viên. Các đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Do hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện đã được cải thiện. Theo khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, sau khi học nghề, khoảng 80% lao động có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc tự mở cơ sở làm ăn, ổn định cuộc sống. Riêng với lao động học nghề may công nghiệp, trên 95% số học viên sau khóa học vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở may tại địa phương… 

Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, vay vốn xuất khẩu lao động… với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Huyện Nam trực còn quan tâm giới thiệu việc làm cho người lao động. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, năm 2018, huyện Nam Trực đã tạo thêm việc làm mới cho trên 5.500 lao động, trong đó 4.210 lao động trong tỉnh, 220 lao động xuất khẩu, 1.075 lao động ngoài tỉnh. Nhờ có tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, hằng năm toàn huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 2,2%, giảm 0,58% so với năm 2018. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt 36%./.

Bài và ảnh: Minh Tân



DU HỌC VÀ XKLĐ THÀNH ĐÔ Cập nhập tin tuyển dụng nhanh chóng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com