Hội trường Thống Nhất (Thành phố Nam Định) trong ngày trao Huy hiệu Đảng cho các đảng viên dịp kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-2018) vừa qua thật đông vui, nhộn nhịp. Tụ hội về đây là những đảng viên đã theo Đảng từ những năm tháng khó khăn nhất, cả đời cống hiến vì lý tưởng của Đảng, vì công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Trong tổng số 386 đảng viên được trao tặng huy hiệu Đảng của Đảng bộ thành phố đợt này, ông Nguyễn Mạnh Hùng ở phường Cửa Bắc cùng chung niềm tự hào, xúc động khi là đảng viên duy nhất được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đối với ông, tấm huy hiệu không chỉ đơn thuần là sự ghi nhận về tuổi Đảng mà còn là sự ghi nhận về quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Cửa Bắc (Thành phố Nam Định) vẫn thường xuyên theo dõi tin tức thời sự trong tỉnh trên Báo Nam Định. |
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Mạnh Hùng tại nhà riêng trong một con ngõ nhỏ phố Lê Hồng Sơn. Trong căn nhà nằm yên bình dưới màu xanh cây lá với những vật dụng đơn sơ, ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm một lòng đi theo Đảng hoạt động cách mạng. Ông Hùng sinh năm 1920, quê ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Lớn lên trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chứng kiến cuộc sống người dân lầm than, cơ cực, được một người bác là đảng viên về địa phương xây dựng phong trào tuyên truyền, vận động, năm 1941, tròn 21 tuổi, ông Hùng đã hăng hái đi theo Đảng làm cách mạng, chủ yếu hoạt động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm (Hà Nội). Ngày 5-10-1944, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng sau giây phút thiêng liêng tuyên thệ dưới cờ tại chi bộ Quang Trung, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Từ đây, với trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, với lý tưởng của người cộng sản được ánh sáng của “mặt trời chân lý” soi rọi, ông càng tích cực tham gia hoạt động, làm tự vệ bí mật rồi đi lên Thái Nguyên vào giải phóng quân. Giữa tháng 8-1945, ở mọi nơi, mọi lúc, các báo, đài đồng loạt truyền tin Nhật đầu hàng, quân Đồng minh sẽ vào Hà Nội giải giáp quân Nhật. Bọn Nhật ở Hà Nội tỏ ra hoang mang, chán nản rõ rệt. Trong khí thế sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa, ông Hùng và các đồng đội đã tập hợp dân chúng, kéo đến uy hiếp đồn Cầu Bây của Nhật ở đường số 5, nay thuộc địa phận quận Long Biên (Hà Nội), tịch thu vũ khí của địch, giành chính quyền, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, ông tham gia lãnh đạo nhân dân các xã của huyện Gia Lâm đi từ 10 giờ đêm lên Hà Nội dự lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Đối với ông, đó là những thời khắc lịch sử không thể nào quên. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Hùng là chính trị viên du kích, tiểu đội trưởng cảm tử quân, trung đội phó F320. Năm 1952, thực dân Pháp mang quân chủ lực về càn quét các huyện phía nam tỉnh Nam Định nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, khủng bố nhân dân, vơ vét tài sản, bắt thanh niên bổ sung quân số thiếu hụt, dựng lại bộ máy ngụy quyền. Ông Hùng khi đó là trung đội trưởng C26, E64 của Sư đoàn 320 đã được giao nhiệm vụ cùng anh em trong đơn vị về các huyện ven biển Nam Định tham gia chống càn. Hơn 10 năm bám trụ ở mảnh đất Giao Thủy, ông và các đồng chí cán bộ, đảng viên đã xây dựng cơ sở quân đội trong nhân dân vùng địch hậu; tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ về tư tưởng cho đồng bào; nắm bắt tình hình quần chúng để giao nhiệm vụ. Thời điểm đó, cơ sở kháng chiến ban đầu còn yếu do vùng địch hậu chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên Chúa, tư tưởng còn dao động, chưa hiểu nhiều về Đảng, chính quyền. Ông Hùng và các đồng đội đã “ba cùng” với nhân dân, ăn cơm độn chuối xanh, cắm chốt ở các nhà thờ, tranh thủ sự ủng hộ của các linh mục để hoạt động. Những đóng góp của ông và các cán bộ, đảng viên đã góp phần cùng quân, dân trong tỉnh bảo vệ khu du kích, chống địch bình định, tập hợp các lực lượng quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, giải phóng đất đai, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch. Bộ máy ngụy quyền và hệ thống tề dõng của địch bị phá từng mảng. Khu du kích và căn cứ du kích rộng lớn ở địa phương được giữ vững và phát triển, lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành. Cơ sở kháng chiến ở nhiều nơi, kể cả vùng tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa cũng được củng cố và phát triển. Từ năm 1954-1959, ông Hùng là chính trị viên các huyện Lý Nhân, Ý Yên, Giao Thủy, Hải Hậu. Từ năm 1959-1971, ông chuyển ngành về Giao Thủy công tác, có thời gian dài giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Giao Thủy rồi Trưởng phòng truyền thanh huyện, cán bộ kỹ thuật Phòng Công nghiệp, thường trực ban điều tra tội ác chiến tranh ở huyện. Nhớ lại những tháng năm làm cách mạng, ông Hùng luôn tự hào về một thế hệ đảng viên, dù mỗi người một hoàn cảnh xuất thân nhưng tất cả đều có chung một lý tưởng, một mục tiêu, một con đường, một tấm lòng trung kiên với Đảng. Điều đó đã giúp ông, ngay trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, vẫn vững tin đi theo Đảng, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao phó, góp phần nhỏ bé của mình để giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hàng chục huân, huy chương các loại. Sau gần 25 năm phục vụ trong quân đội và công tác trên nhiều lĩnh vực, ông được về hưu vì mất sức lao động, trở về gia đình, cùng vợ nuôi dạy 4 người con trưởng thành. Ông và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương và nơi cư trú. Hiện tại, ông Hùng đã ở độ tuổi xấp xỉ bách niên, bà Thi vợ ông cũng đã ngoài 80, hai ông bà hằng ngày vẫn tự chăm sóc cho nhau, sống cuộc đời thanh bạch, giản dị trong sự trân trọng, yêu mến của bà con lối phố.
“Dù cuộc sống vẫn còn những lúc khó khăn, dù thực tiễn xã hội nơi này nơi khác còn có những điều chưa được như ý muốn nhưng suốt 75 năm qua, kể từ ngày đi theo Đảng, tôi chưa có phút giây nào ngã lòng, mất niềm tin vào Đảng, luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh của người đảng viên. Bởi đối với tôi, Đảng thật sâu nặng ân tình, đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: Đảng cho ta trái tim giàu/Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay!”… Những lời nói tâm huyết đó của ông khi chia tay chúng tôi thể hiện sự thủy chung son sắt, một lòng với Đảng của thế hệ đảng viên cao tuổi, thực sự đáng để mỗi đảng viên trẻ như chúng tôi phải suy ngẫm, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước./.
Bài và ảnh: Lam Hồng