Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nằm trên địa bàn xã Lộc An (Thành phố Nam Định). Tại đây, trẻ em khuyết tật được học hành, được chăm sóc, được vui chơi, được “chắp cánh” ước mơ hòa nhập cộng đồng.
Lớp học văn hóa dành cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật. |
Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy chữ cho 80 trẻ em khuyết tật độ tuổi từ 12-16 tuổi. Các em đều bị khuyết tật các dạng về nghe, nói, nhìn, hạn chế về khả năng vận động, trí tuệ. Đồng chí Vũ Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trẻ khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm đều được học phục hồi chức năng ngôn ngữ từ lớp 1 đến lớp 3, được giáo dục thể chất và học tập kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trung tâm hiện có 1 lớp phục hồi thể chất, 6 lớp phục hồi chức năng ngôn ngữ. Trong việc phục hồi chức năng ngôn ngữ, Trung tâm chia nhóm đối tượng theo trình độ nhận thức khác nhau, áp dụng phương pháp trực quan, với các hoạt động: thuyết trình, hợp tác nhóm, hoạt động thể chất, giao lưu tập thể cùng với các nhóm, đoàn hoạt động từ thiện; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ bản thân, đồng thời phát huy có hiệu quả các trang thiết bị, các giáo cụ trực quan, giúp nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp cho trẻ khuyết tật. Để phục hồi chức năng về thể chất, 100% trẻ khuyết tật được hướng dẫn tập thể dục nâng cao thể chất, các em khuyết tật vận động được tập trên máy phục hồi chức năng. Trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, ngay khi được tiếp nhận vào Trung tâm, trẻ được khám sức khỏe ban đầu và có sổ y bạ theo dõi sức khỏe. Cán bộ y tế thường xuyên thăm khám, cấp thuốc cho trẻ, hướng dẫn các cháu giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn, ở. Chế độ ăn uống của trẻ được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực đơn hằng ngày thường xuyên được đổi món đảm bảo đủ dinh dưỡng, đúng chế độ, tiêu chuẩn, đảm bảo cho các cháu đủ sức khỏe học tập, vui chơi. Cô Nguyễn Thị Hồng giáo viên lớp May cho biết, học sinh ở đây đa dạng dị tật như dị tật vận động, tăng động thiếu tập trung, tự kỷ, bại não, chậm phát triển…, thường có những hành động bất bình thường; có em còn xô bạn ngã, cắn bạn, hay là tự cắn mình. Cô Hồng luôn phải trăn trở, tìm ra phương pháp thích hợp với từng kiểu học trò vừa dạy vừa dỗ. Mỗi ngày cô phải đóng nhiều vai trên lớp; khi là cha mẹ, khi là hộ lý chăm sóc sức khỏe để các em học chữ, học nghề. Đối với trẻ có khả năng học nghề, Trung tâm dạy nghề may, nghề mộc tùy theo khả năng của từng em. Hiện nay, Trung tâm có 3 lớp dạy nghề may và 1 lớp nghề mộc. Đối với nghề may, các em được học từ những đường may cơ bản, các bộ phận chủ yếu của quần áo đến lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm áo sơ mi, quần âu, áo bảo hộ lao động, áo jacket trên dây chuyền may công nghiệp đạt yêu cầu kỹ thuật. Đối với nghề mộc, sau khóa học, các em biết hoàn thiện sản phẩm mộc dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ... Đội ngũ giáo viên của Trung tâm luôn đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy, gắn học lý thuyết với thực hành và tận tình hướng dẫn các em từng kỹ năng, thao tác. Qua các đợt kiểm tra chất lượng đào tạo nghề hằng năm, hầu hết các em học nghề đều đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Tiêu biểu như em Phạm Văn Tình, ở xã Hoành Sơn (Giao Thủy) bị điếc bẩm sinh, sau khi học nghề mộc mỹ nghệ ở Trung tâm đã được một cơ sở mộc tư nhân ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) nhận vào làm. Các em Nguyễn Hồng Sơn, quê xã Liên Bảo (Vụ Bản), bị câm điếc bẩm sinh; Phạm Thành Công, ở xã Lộc An (Thành phố Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khóa học nghề may 3 năm ở Trung tâm, các em đều làm việc tại các công ty may, có thu nhập ổn định, tự trang trải cuộc sống.
Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ dạy cho trẻ những kiến thức văn hóa, đạo đức, lối sống, học nghề mà còn rèn luyện cho trẻ những kỹ năng trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc điều chỉnh, lựa chọn những kiến thức, phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với từng loại đối tượng trẻ khuyết tật thì còn cần có tấm lòng yêu thương, sự kiên trì nhẫn nại, chăm chút ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, luôn trân trọng từng sự tiến bộ dù nhỏ của các em. Hiện Trung tâm có 29 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó 90% có trình độ đại học, cao đẳng. Các giáo viên được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật và đều có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Từ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đã có nhiều em tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật đã trở thành mái ấm yêu thương của nhiều trẻ khuyết tật trong tỉnh, chắp cho các em “đôi cánh” thực hiện ước mơ làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Tân