Cô và trò Trường Trung học phổ thông Hải Hậu B. |
Mùa xuân Kỷ Hợi 2019 đang về! Đây cũng là lúc nhiều dòng họ, thôn làng tổng kết phong trào khuyến học, khuyến tài và tiếp tục thắp lên niềm tin sẽ được đón bức trướng, bằng khen về với xóm làng, dòng họ, gia đình vào đầu xuân mới.
Chúng tôi về làng Cố Bản, xã Đại Thắng (Vụ Bản), một vùng quê trong những năm đổi mới đã chuyển mình bứt phá vươn lên phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo cho con cháu học hành. Truyền thống hiếu học của nhân dân Cố Bản đã có từ lâu đời và ngày càng phát triển. Là một làng lớn trong xã, gồm 5 thôn với khoảng 1.000 hộ dân thuần nông, nhưng về chuyện học hành và giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa cũng luôn đứng đầu trong xã. Khi chi hội khuyến học của làng được thành lập năm 2008, phong trào khuyến học, khuyến tài lại được tiếp thêm sức mạnh để mỗi gia đình, dòng họ tiếp tục răn dạy con cháu nỗ lực phấn đấu vươn lên, thi đua nhau học tốt, lao động tốt. Ban đầu, chi hội khuyến học của làng chỉ có 10 thành viên, do Giáo sư Vũ Hữu Yên, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, người con quê hương đã vận động những người thành đạt tại Hà Nội thành lập. Đồng thời chi hội cũng vận động những vị lão thành, những cán bộ về hưu tại làng thành lập ban khuyến học tại quê hương. Với sự tích cực của các thành viên trong chi hội, Quỹ khuyến học làng Cố Bản đã nhận được sự đóng góp tích cực của những người con quê hương thành đạt trên khắp mọi miền đất nước. Hiện tại, làng Cố Bản đã có 1 Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân, 14 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, cùng hàng trăm cử nhân và hàng chục người là doanh nhân.
Từ năm 1999, chi Hội Khuyến học giáo xứ Xuân Dục đã vận động tài trợ xây dựng khu trường mầm non 6 phòng học cao tầng, khuyến khích người dân đưa trẻ ra lớp đạt tỷ lệ cao. (Trong ảnh: Cô và trò khu Xuân Dục, Trường Mầm non xã Xuân Ninh (Xuân Trường) trong một giờ học). |
Thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có đông đồng bào theo đạo Công giáo với dân số hơn 4.000 người. Trước đây, nhiều gia đình có từ 4-5 con nhưng chỉ cho con đi học hết lớp 3, lớp 4 để biết đọc, biết viết, số học sinh được đến trường rất hạn chế. Năm 1994 chi hội khuyến học thôn được thành lập, phối hợp với các nhà trường trong công tác phổ cập và nâng cao chất lượng học tập của con em trong giáo xứ. Năm 1997, chi hội liên hệ với Văn phòng UNESCO Việt Nam - Nhật Bản mở các lớp xóa mù chữ và đã có gần 200 trẻ được học và được cấp chứng chỉ tốt nghiệp tương đương bậc tiểu học. Chi hội thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình nghèo đông con như trợ cấp toàn bộ học phí học thêm, đề nghị với các nhà trường và xã miễn giảm các khoản đóng góp để các em được đi học, đồng thời đến tận gia đình có học sinh bỏ học giữa chừng để động viên, giúp đỡ các em quay trở lại lớp học. Hằng năm, vào các ngày lễ, tết, chi hội đã tổ chức liên hoan, trao thưởng cho giáo viên và học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ đại học, trung học phổ thông được thưởng 1 chiếc xe đạp và 1 triệu đồng, những em đỗ vào một trường được thưởng từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Bên cạnh đó, chi hội đã tổ chức mở các lớp học ngoại ngữ, tin học, ôn luyện các môn Toán, Lý, Hóa miễn phí cho học sinh các cấp. Từ năm 2000, chi hội kết hợp với trường mầm non xã tổ chức nuôi ăn bán trú cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Đồng thời chi hội đã lập dự án qua trung gian là các sinh viên của giáo xứ đang du học tại Pháp tới Hiệp hội Anfan du Mekong của Pháp, hằng năm đã nhận được kinh phí và gây quỹ hoạt động do các cá nhân và tập thể trong xứ, trong nước và nước ngoài trên dưới 200 triệu đồng. Hằng tháng, chi hội đều tổ chức cấp phát học bổng, học phí cho từng gia đình trong giáo xứ. Nhờ đó, những năm qua trong thôn đã có nhiều học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, giỏi toàn diện và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có những em đỗ thủ khoa, được nhận học bổng ở các trường đại học… Hiện tại, thôn đã có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, bác sĩ và khoảng 300 sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, 500 người đã tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở các gia đình, dòng họ, thôn làng trong tỉnh mỗi nơi có cách làm riêng, nhưng tất cả đều là khát vọng xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Hồng Minh