Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp để triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Nghề đan cói xuất khẩu tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn xã Nghĩa Hồng. |
Theo đó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động: Rèn luyện phẩm chất phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức cho 100% cán bộ Hội các cấp, báo cáo viên cấp huyện được học tập chuyên đề về những nội dung cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau học tập đã xây dựng kế hoạch tu dưỡng, cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và nhất là nâng cao tinh thần tự giác, xác định mục tiêu phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo 100% xã, thị trấn đưa chuyên đề học tập làm theo Bác vào tất cả các dịp sinh hoạt 8-3, 19-5, 20-10… với nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, nói chuyên đề, tổ chức các hoạt động về nguồn... Trong công tác tuyên truyền, Hội luôn chú trọng nội dung giáo dục học tập và làm theo Bác hướng tới chuyển đổi nhận thức, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội cụ thể đang đặt ra liên quan đến phụ nữ như: việc làm cho phụ nữ nông thôn, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội, kết hôn có yếu tố nước ngoài vì mục đích vụ lợi… Tuyên truyền quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ, vai trò, vị trí, tầm quan trọng và lực lượng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng; những lời dạy, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ. Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở còn luôn chú trọng công tác tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền về gương tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoạt động của các cấp Hội trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05... Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo làm theo Bác như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Quỹ vì phụ nữ nghèo”, “Chi Hội Phụ nữ tiết kiệm tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình”, “Chi hội 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới”, vận động phụ nữ ủng hộ xây dựng “mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo… Từ năm 2016-2018, thông qua các đợt vận động, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã hỗ trợ xây được 7 “mái ấm tình thương” với tổng số tiền 140 triệu đồng, trao 209 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi. Vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình quân nhân, gia đình hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi với số tiền trong 3 năm (2016-2018) là 270 triệu đồng. Trong cuộc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, trong năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã hỗ trợ mua 3.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng mô hình “Nồi cháo từ thiện tiếp sức bệnh nhân” tại Trung tâm Y tế huyện, mỗi tuần phát 300 suất cháo; xây dựng “Tủ quần áo vì phụ nữ nghèo” tại 25 xã, thị trấn. Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Nghĩa Hưng chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các cấp Hội đã vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các mô hình như: “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, tuyến đường hoa, câu lạc bộ “Sạch nhà, đẹp ngõ”, “Cánh đồng không có vỏ bao bì thuốc trừ sâu”…; thành lập và duy trì 176 nhóm “Phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình” ở 25 xã, thị trấn với 2.529 thành viên tham gia; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trong năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn thôn Quần Phương, xã Nghĩa Bình làm điểm xây dựng mô hình “Chi Hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch, tham gia xây dựng nông mới”; đến nay đã nhân rộng ở 36 chi Hội của 25 xã, thị trấn với 2.546 thành viên tham gia. Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới là việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là triển khai và duy trì tốt nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ TYM, Quỹ châu Á với số tiền trên 207 tỷ đồng, giúp cho 7.785 thành viên vay. Các cơ sở đều thành lập các tổ tiết kiệm tại các chi Hội, đến nay tổng số dư tiền tiết kiệm từ các loại hình là gần 12 tỷ đồng, thu hút 21.489 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, tạo điều kiện cho 685 phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 16 lớp đan lát thủ công cho 664 hội viên phụ nữ các xã, thị trấn và trên 400 hộ gia đình có nhu cầu tham gia học nghề để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, có 3.908 người ở 20 xã, thị trấn tham gia làm nghề đan cói, thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng; nhiều hộ điển hình thu nhập trên 10 triệu đồng/hộ/tháng. Thông qua các hoạt động của Hội đã tuyên truyền cho hội viên phụ nữ ý thức tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đồng ruộng, góp đất, hiến đất; tham gia xây dựng các công trình tại địa phương, góp phần vào xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Nghĩa Hưng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cấp Hội, trước hết là của người đứng đầu tổ chức Hội, của cán bộ, đảng viên nữ, hội viên. Qua đó từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện theo các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ./.
Bài và ảnh: Lam Hồng