Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và lập các phương án phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Khách hàng mua thực phẩm chín tại Siêu thị Coopmart (Thành phố Nam Định). |
Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội. Hệ thống đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thường xuyên phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, mùa Lễ hội Xuân 2019. Nội dung tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội… Từ thời điểm triển khai (1-1-2019) đến nay đã có 239 đĩa tuyên truyền được cấp phát tới tuyến xã; hàng chục tin, bài về công tác an toàn thực phẩm được đăng trên Báo Nam Định, phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; phát 5.500 lượt trên đài phát thanh cấp huyện, xã; treo 800 băng rôn, chạy bảng điện tử tại các công sở, các điểm tập trung đông người, các chợ, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm.
Cùng với công tác truyền thông, từ tỉnh đến các địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Sở Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 đơn vị gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy. Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn của cấp huyện và cấp xã thực hiện. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân năm 2019 tại địa phương; việc triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đến thời điểm hiện tại các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được khoảng 3/4 số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đánh giá bước đầu, năm nay công tác an toàn thực phẩm có khá hơn so với những năm trước do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân được nâng lên, điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nơi sản xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh đã có tiến bộ hơn. Đặc biệt, ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn vệ sinh cơ sở sản xuất, phương tiện dụng cụ, nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và được kiểm tra chất lượng định kỳ. Tuy vậy, qua đợt tranh tra, kiểm tra, vẫn còn một số cơ sở trang phục bảo hộ cho người lao động chưa đầy đủ; còn thiếu găng tay, mũ... Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất vẫn quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm. Đến thời điểm hiện tại, đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm, trong đó 2 cơ sở bị phạt với số tiền 4 triệu đồng, 1 cơ sở được giao cho Ban chỉ đạo huyện tiếp nhận, xử lý vi phạm... Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm.
Từ nay đến hết Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2019, ngành Y tế tích cực phối hợp với các ngành để tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân đón Tết vui vẻ, an toàn. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết; bố trí, sắp xếp nhân sự để phục vụ công tác điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm nếu có sự cố xảy ra. Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành phố thành lập các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng các tình huống khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận