Huyện Trực Ninh có gần 18 vạn dân, trong đó 9,75 vạn người trong độ tuổi lao động. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh luôn chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Shin Myung First ViNa, xã Trung Đông (Trực Ninh) tạo việc làm cho trên 400 lao động. |
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đào tạo nghề của UBND tỉnh và định hướng phát triển kinh tế của huyện, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi đối với lao động học nghề và các diện đối tượng học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…; qua đó nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của huyện và các xã, thị trấn, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như điều kiện khả năng của người lao động, huyện mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, nhà quản lý đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; trong đó đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Hằng năm, huyện mở 13-15 lớp dạy nghề cho 600 lao động; trong đó phần lớn là lao động học nghề may công nghiệp; còn lại là lao động học các nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các trường trung cấp nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Sau khi được đào tạo nghề, truyền nghề, người lao động đều nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều nắm vững kiến thức và kỹ năng cơ bản được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Theo khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hầu hết lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hoá, có năng suất, thu nhập cao. Tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm phù hợp chiếm trên 80%. Cùng với công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 250 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 70 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 40 doanh nghiệp xây dựng; 140 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải; 11 hợp tác xã tín dụng, sự nghiệp và trên 12 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở địa bàn dân cư. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương, qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, người lao động có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Với những giải pháp hiệu quả, thiết thực, huyện Trực Ninh đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống của người dân, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề. Khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; đẩy mạnh dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề. Mời các doanh nghiệp có uy tín về địa phương tuyển dụng lao động, tạo thuận lợi để nhân dân được lựa chọn ngành nghề, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Minh Tân