Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam với UBND tỉnh đã chỉ ra hai khó khăn, thách thức trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại tỉnh ta là: Tình trạng trốn đóng BHXH và bội chi Quỹ BHYT. Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã kiến nghị với Đoàn giám sát: cần xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp (DN) có số nợ BHXH, BHYT kéo dài; xử lý nghiêm những cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) cố tình vi phạm quy định KCB BHYT, nhằm hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 9-2018, toàn tỉnh có 1.533.657 người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến trong các DN. Đến ngày 30-9 tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT và nợ lãi trên địa bàn tỉnh là 237 tỷ 658 triệu đồng, trong đó nợ phải tính lãi là 77 tỷ đồng, chiếm 3,24% kế hoạch giao. Có 426 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, số tiền nợ trên 100 tỷ đồng; 62 đơn vị nợ khó thu với số tiền 29 tỷ đồng (số tiền nợ này bao gồm số tiền nợ của các đơn vị mất tích, bỏ trốn, giải thể...). Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để giảm số nợ đọng BHXH, song tình trạng chậm đóng, nợ đọng, tham gia không đầy đủ cho người lao động vẫn diễn ra. Ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm; nhiều DN đã đăng ký thành lập nhưng không có trụ sở giao dịch hoặc thành lập xong nhưng không hoạt động... do vậy chủ sử dụng không tham gia BHXH cho người lao động hoặc không tham gia BHXH hết số người lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, để né tránh tham gia BHXH cho người lao động và né tránh việc trích nộp BHXH cho người lao động, chủ DN thường “lách luật” bằng việc ký hợp đồng với thời gian ngắn (dưới 3 tháng) hoặc không ký hợp đồng lao động với người lao động; một số DN đã trích tiền lương tháng của người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Một số kết luận thanh tra, kiểm tra không được các DN chấp hành, số nợ tại một số DN ngày càng phát sinh tăng, điển hình như: Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Xây lắp I - Nam Định, Cty CP Coma 19, Cty CP Dệt kim Thắng Lợi... Từ tháng 11-2016, BHXH tỉnh đã gửi hồ sơ của 61 đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho Liên đoàn Lao động tỉnh nhưng đến nay tổ chức Công đoàn chưa thực hiện khởi kiện do chưa có hướng dẫn cụ thể của các ngành chức năng về thủ tục hồ sơ khởi kiện. Việc ký kết quy chế phối hợp với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để thu nợ BHXH mặc dù đã được triển khai từ nhiều năm song chưa có kết quả do phần lớn các DN nợ BHXH không phát sinh giao dịch hoặc không có số dư trên tài khoản tại hệ thống ngân hàng ở địa phương.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị các giải pháp khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH với Đoàn giám sát Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Về tình hình quản lý quỹ BHYT, trong 9 tháng năm 2018, tổng chi KCB BHYT là 1.476 tỷ đồng (chiếm 86,01% dự toán được giao của năm 2018). Trong đó, chi tại tỉnh là 826 tỷ đồng, chi đa tuyến đi tỉnh ngoài là 632 tỷ đồng, chi chăm sóc sức khoẻ ban đầu là 18 tỷ đồng. Mặc dù BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KCB kiểm soát việc chuyển tuyến, nhưng số chi đa tuyến ngoại tỉnh vẫn còn rất lớn. Số lượt bệnh nhân điều trị ngoài tỉnh (không qua chuyển tuyến) chiếm 32-37% số lượt bệnh nhân đa tuyến ngoại tỉnh (6 tháng đầu năm 2018 chiếm gần 40%). Quá trình thực hiện việc thông tuyến vẫn còn những tồn tại như: Thông tuyến nhưng chưa thay đổi cơ chế quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT nên cơ sở đăng ký KCB ban đầu được giao quản lý sử dụng quỹ KCB hoặc giao quỹ định suất nhưng lại không kiểm soát được người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu, người tự ý đi KCB ở cơ sở khác. Nhiều cơ sở KCB chưa đẩy dữ liệu lên hệ thống ngay sau khi có phát sinh chi phí nên việc kiểm soát thông tuyến còn hạn chế. Kiểm soát đa tuyến đi, mặc dù đã kiểm soát được chuyển tuyến nhưng việc bệnh nhân tự đi KCB tại các tỉnh khác là rất khó khăn.
Để hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHXH tỉnh tổ chức xuống đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc các đơn vị kịp thời đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đối với các đơn vị có thời gian nợ trên 3 tháng hoặc các đơn vị chây ỳ, BHXH tỉnh cử cán bộ chuyên quản xuống lập biên bản xác nhận tình trạng nợ đọng. BHXH tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, đối thoại về Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các chế độ chính sách thay đổi được triển khai cụ thể đến người lao động làm việc tại các DN và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, thu, cấp sổ BHXH và giải quyết các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử lý các vi phạm. Triển khai thực hiện nghiêm chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, đồng thời hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan Công an xem xét điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Về giải pháp quản lý quỹ KCB BHYT, BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời với Sở Y tế để chỉ đạo các cơ sở y tế; tổ chức giám định và thanh toán BHYT theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để cùng giám sát, cung cấp thông tin về những cơ sở y tế lạm dụng quỹ BHYT, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định; trường hợp có sai phạm lớn, có tính hệ thống, có biểu hiện trục lợi quỹ BHYT thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra thường kỳ và đột xuất tại các cơ sở KCB, nhất là cơ sở KCB có điều trị nội trú tăng bất thường, phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Hằng tháng thông báo tình hình thực hiện dự toán chi KCB BHYT đến các cơ sở y tế có số chi vượt dự toán; phân tích tình hình gia tăng chi phí KCB, yêu cầu cơ sở KCB BHYT xây dựng các giải pháp sử dụng quỹ BHYT đúng mục đích, hiệu quả. Phối hợp với Sở Y tế phân tích, đánh giá nguyên nhân gia tăng chi phí để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở KCB; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thực hiện dừng ký hợp đồng KCB BHYT đối với các cơ sở KCB không đủ điều kiện hoặc có biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đối với cơ sở KCB có số chi vượt dự toán hằng quý phải thuyết minh, giải trình với Sở Y tế, BHXH tỉnh làm căn cứ để báo cáo UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giải quyết./.
Bài và ảnh: Việt Thắng