Hiện nay, huyện Mỹ Lộc có 44 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 56% dân số, trong đó nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề, chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Với nhận thức giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động là góp phần bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua huyện Mỹ Lộc đã tập trung chỉ đạo, đề ra các biện pháp giải quyết việc làm cho nông dân.
Để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế, Huyện uỷ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động. Các ngành chức năng, các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách hỗ trợ học nghề của Đảng, Nhà nước đối với lao động nông thôn cũng như tầm quan trọng của học nghề nhằm tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động. Hằng năm, huyện rà soát, nắm tình hình lực lượng lao động trên địa bàn, đặc biệt là số lao động trong độ tuổi thanh niên và tìm hiểu nguyện vọng làm việc, học nghề cũng như khả năng của người lao động; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đưa chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định 1956 QĐ-TTg về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, hằng năm, huyện mở 10-12 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 350-400 lao động. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp, chăn nuôi gà, vịt, bảo vệ thực vật, nuôi thủy sản, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Năm 2018, trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu học nghề của người dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã lập và triển khai sớm kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, huyện đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp với 70 học viên theo Đề án 1956 và tuyển sinh 1 lớp may công nghiệp với 35 lao động dạy tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bằng nguồn ngân sách huyện. Các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, huyện triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động như: định hướng cho người lao động học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Gắn tạo việc làm với phát triển các làng nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu lao động để người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong huyện được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Hiện có trên 500 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với dư nợ trên 10 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động. Bằng các giải pháp đồng bộ, năm 2018, huyện Mỹ Lộc giải quyết việc làm mới cho trên 1.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động làm việc tại địa phương; 70 người làm việc tại tỉnh ngoài và 23 người đi xuất khẩu lao động. Cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề.
Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là hoạt động xuất khẩu lao động. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định. Tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động./.
Minh Tân