Mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở Mỹ Tiến

08:12, 07/12/2018

Thời gian qua, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, hội viên nông dân trong việc tuyên truyền vận động nhân dân ở khu dân cư thôn xóm tích cực hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc đã chỉ đạo mỗi cơ sở chọn một việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, Hội Nông dân xã Mỹ Tiến đã nhận việc thực hiện mô hình điểm “Vườn, ruộng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” và đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần tích cực, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018.

Xã Mỹ Tiến có tổng số 601 hội viên nông dân sinh hoạt ở 6 chi hội. Hiện nay, một bộ phận nông dân còn có thói quen vứt chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xuống bờ bao, kênh rạch… khiến nguồn nước ở kênh mương, đồng ruộng ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập 6 tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, mỗi tổ gồm 3 người, trong đó đồng chí chi hội trưởng làm tổ trưởng. Nhằm duy trì hoạt động của các tổ, Hội Nông dân xã cấp kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng/năm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân trong xã về việc bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng; đồng thời hỗ trợ xây dựng 36 cống bê tông (bể chứa) giúp các hộ nông dân đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn vận động cán bộ, hội viên nông dân gây quỹ ủng hộ phong trào góp phần xây dựng mô hình “Vườn, ruộng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”. Đến nay, toàn xã đã vận động ủng hộ được 12 triệu đồng; trong đó, riêng chi hội thôn Lang Xá ủng hộ 5 triệu đồng. Thêm vào đó, nhằm thúc đẩy phong trào, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng hỗ trợ cho xã 99 cống để đảm bảo bình quân cứ 3ha có 1 cống được đặt ở sát đường giao thông thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho bà con nông dân trong việc bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ trên mà tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật hoạt động ngày một nề nếp, hiệu quả. Hằng năm cứ vào dịp cao điểm phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, tổ lại phát động toàn bộ hội viên ra đồng thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật 1 lần/tuần. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Mỹ Tiến còn nhận ký hợp đồng với Công ty STC tổ chức tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/năm. Nhiều hộ dân thôn Lang Xá chia sẻ, trước đây, khi chưa có điểm thu gom, nhiều nông dân không biết để vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật ở đâu nên đành vứt xuống kênh mương. Nay có điểm thu gom nên bà con bỏ vào bể để bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi và bảo vệ môi trường. Bà Trần Thị Vui, chi hội thôn Lang Xá cho biết, cũng như các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, mỗi vụ sản xuất, gia đình bà đều tiến hành phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống sâu bệnh. Các loại thuốc bảo vệ thực vật có hai dạng sử dụng là chai lọ hoặc bao bì nilông. Trước đây phun xong thì vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, bà thường vứt ngay tại ruộng hoặc bỏ gần kênh mương tưới tiêu. Điều đó đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh và của chính những người thân trong gia đình bà. Bà Vui chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi có thói quen phun thuốc bảo vệ thực vật rồi bỏ vỏ chai, bao bì ra các bờ ruộng, kênh mương mà chưa chú ý đến việc thu gom và xử lý. Sau khi các bể thu gom đưa vào sử dụng, tôi cùng người dân trong thôn không vứt bừa bãi như trước mà tập trung cho vào bể. Có bể thu gom ngay tại đồng ruộng rất tiện mà vệ sinh môi trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn”. Các bể thu gom cũng được xã lựa chọn vị trí phù hợp, thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con khi tiến hành pha chế, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật được tổ thu gom vệ sinh môi trường xã đến thu gom và xử lý chất thải theo quy định. 

Từ việc xây dựng mô hình “Vườn, ruộng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, tác hại của rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật với sức khỏe con người đã được nâng lên. Đây là một việc làm thiết thực vừa có ích cho môi trường sống của người dân địa phương, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới. Sau khi triển khai mô hình và đạt hiệu quả, đến nay toàn bộ các xã, thị trấn trong toàn huyện đã tổ chức thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật một tích cực, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng chí Nguyễn Văn Điều, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thời gian tới, để phong trào có sức lan tỏa hơn nữa, Hội Nông dân xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đến từng cán bộ, hội viên nông dân; coi việc bảo vệ môi trường, rèn cho mình thói quen, sự tự giác trong việc vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng nơi quy định. Có thể nói, với sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân khi tham gia mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên những cánh đồng sạch, an toàn. Đồng thời việc làm của hội viên nông dân xã Mỹ Tiến đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường, tạo vẻ mỹ quan trên đồng ruộng, hạn chế vứt bừa bãi bao gói thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Thông qua việc xây dựng bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng sản xuất nông nghiệp, mô hình cơ bản thu gom hiệu quả rác thải thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường đồng ruộng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản và sức khoẻ cho người nông dân; góp phần thực hiện các chỉ tiêu xã hội, môi trường nông thôn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com