Học sinh lớp 11 sáng tạo thành công xe ô tô điện

08:12, 14/12/2018

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2018-2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, một sản phẩm sáng tạo khiến các thành viên ban tổ chức đều trầm trồ khen ngợi: Đó là chiếc ô tô điện của em Ngô Việt Cường, học sinh lớp 11A8 Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên). Đây là sản phẩm mà Cường đã dày công nghiên cứu và lắp ráp trong nhiều tháng liền, vận tốc có thể đạt 40km/h bằng năng lượng mặt trời.

Em Ngô Việt Cường cùng chiếc xe ô tô điện do mình chế tạo.
Em Ngô Việt Cường cùng chiếc xe ô tô điện do mình chế tạo.

Sinh ra trong gia đình có nghề sửa chữa ô tô ở thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, tuổi thơ của Cường gắn với các dụng cụ lắp ráp ô tô và sớm bộc lộ niềm yêu thích đối với máy móc. Ông Ngô Văn Ngọc, bố của Cường cho biết, từ nhỏ mỗi khi được mua đồ chơi mới, cậu bé chỉ chơi vài ngày, sau đó tháo rời các bộ phận để xem cấu tạo bên trong như thế nào rồi lắp lại như cũ, hoặc lấy các chi tiết máy để lắp ráp vào thứ khác. Lớn thêm một chút, Cường phụ giúp công việc lặt vặt ở ga ra cho bố. Vừa làm, vừa quan sát và học hỏi, em dần hiểu được những kiến thức về nguyên lý vận hành của động cơ ô tô. Vì vậy, từ năm học lớp 6, em đã tự lắp ráp cho mình những thứ đồ chơi từ những vật dụng phế thải ở xưởng sửa chữa của bố. Có những trưa hè, Cường lang thang ngoài bờ ao, bờ sông để thử nghiệm cho chiếc thuyền có thể chạy... Có lẽ vì niềm đam mê đó, Cường đã khiến bố mẹ “đau đầu” khi ngoài thời gian học trên lớp, niềm đam mê ở nhà em dành hết cho “thú vui” của mình. 

Từ khi vào lớp 10, Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân, trên đường đến trường dài hơn 5km, Cường đã bắt đầu nhen nhóm ý tưởng thiết kế và lắp ráp chiếc xe ô tô điện mi ni cho 2 người ngồi. Bắt đầu bằng những bản vẽ được sửa chữa liên tục cho vừa ý, Cường tranh thủ thời gian lượm lặt những vật dụng phù hợp trong xưởng sửa chữa ô tô của bố. Để thực hiện đam mê của mình, lúc rảnh rỗi, em mày mò trên mạng để tìm hiểu thêm về ô tô, nhất là về kiểu dáng, động cơ. Đầu năm 2018, ngoài thời gian đi học, em đã hoàn thành bản thiết kế, lấy cảm hứng từ kiểu dáng của chiếc xe Volkswagen nổi tiếng của Đức. Mất 3 tháng để hoàn thành bản thiết kế chi tiết, từ phần khung đến các bộ phận cấu tạo máy bên trong nhưng khi Cường chia sẻ về dự định này, ban đầu bố mẹ em nhất quyết không đồng ý. Nhưng rồi thương và không nỡ ngăn cản ước mơ của con, bố mẹ em đã cho phép được làm, nhưng không để ảnh hưởng đến học tập. Cùng với việc thiết kế kiểu dáng, Cường nhờ anh trai đưa đi lùng sục khắp các cửa hàng máy ở Thành phố Nam Định; các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình để lựa chọn động cơ cũng như những phụ tùng cần thiết khác. Có những thứ khá đắt tiền như tấm pin năng lượng mặt trời hay bộ điều khiển động cơ điện thì Cường phải xin “tài trợ” của mẹ. Cường cho biết, từ lúc có ý tưởng đến bắt tay thực hiện quả là một quá trình gian nan. Em phải thiết kế làm sao để có kiểu dáng độc đáo, thân xe phải thật chắc chắn, rồi lựa động cơ, phụ tùng phù hợp...; việc gì cũng phải suy nghĩ, tính toán thật kỹ rồi thử nghiệm... Nhiều lúc tưởng thất bại, Cường cũng nản nhưng mỗi khi như vậy bố luôn đứng ra hướng dẫn, chỉ bảo kỹ thuật, còn mẹ thì động viên em thực hiện ước mơ... Khó nhất là phải cân chỉnh thước lái cho chuẩn, em phải nhờ đến bố hoặc tự lên mạng tìm hiểu. Việc gò hàn vỏ xe, đặc biệt là 4 tai lốp để vừa đảm bảo sự cân bằng và chắc chắn vừa giữ được tính thẩm mỹ cũng mất khá nhiều thời gian, phải chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần. Sau 4 tháng kỳ công, chiếc ô tô của Cường được hoàn thiện với tổng chi phí nguyên vật liệu khoảng 40 triệu đồng. Xe nặng khoảng 400kg, chiều dài 2,6m, chiều cao 1,4m, bề ngang 1,2m, chở được 2 người, vận tốc tối đa đạt 40km/h. Chiếc xe có màu đỏ bắt mắt, được thiết kế theo phong cách cổ điển mang hơi hướng dòng xe Volkswagen Beetle của Đức. Phần vỏ làm từ loại tôn tiêu chuẩn dành cho ô tô, các mối hàn chắc chắn. Xe có đầy đủ các bộ phận tương tự ô tô thông thường như vô lăng, chân phanh, chân ga, hộp số, đồng hồ công tơ mét, bộ loa kết nối cổng USB và Bluetooth, gương, đèn tín hiệu, cần gạt nước, nội thất. Bộ phận giảm xóc được Cường tận dụng lại từ phần giảm xóc của xe máy, có cải tiến thêm để chịu được áp lực tốt hơn. Đây là loại xe sử dụng động cơ điện, về cơ bản vẫn có cổng sạc điện xe điện bình thường, còn phần nhiên liệu từ pin năng lượng mặt trời để phụ trợ thêm cho hệ thống còi, đèn xe. Tuy nhiên, xe còn một số hạn chế như chưa hoàn thiện phần điều hòa, vì thế khi ngồi bên trong đóng kín cửa sẽ cảm thấy nóng và bí. Cường cho biết, thời gian tới em sẽ nghiên cứu để sớm khắc phục yếu điểm này. 

Qua sản phẩm sáng tạo của Ngô Việt Cường, có thể khẳng định, nếu sống với đam mê và nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ, thì con đường dẫn đến thành công không phải là điều xa vời./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com