Xã Hải Lý (Hải Hậu) là xã thuần nông, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm muối, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Hải Lý còn là điểm du lịch hấp dẫn của rất nhiều người từ khắp các địa phương trong tỉnh cũng như các tỉnh khác nên số lượng rác thải phát sinh hằng ngày trên địa bàn rất lớn. Trên địa bàn xã hiện nay đã tổ chức 2 tổ thu gom rác thải với tần suất thu gom 3 ngày 1 lượt, sau đó tập kết và đưa về xử lý tại bãi chôn lấp rác thải của xã. Hải Lý cũng là một trong 6 xã của huyện Hải Hậu chưa có lò đốt rác nên phương pháp xử lý vẫn là đưa rác thải tập kết hết về bãi chôn lấp; trong đó chủ yếu là rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp dẫn tới hiện tượng dồn ứ rác gây ô nhiễm tới những khu vực xung quanh; đồng thời với sự gia tăng lượng rác thải phát sinh dẫn đến những lo ngại về sức chứa của bãi chôn lấp rác thải trong tương lai.
Sử dụng phân bón làm từ rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bà Mai Thị Sửu, xóm B, xã Hải Lý. |
Thực hiện kế hoạch của Hội Nông dân huyện về “Tuyên truyền, vận động nông dân phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải mềm tại hố rác gia đình và thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng”, 2 năm qua (2017-2018), Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động các hộ dân đào được 1.218 hố xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình. Qua triển khai, lượng rác thải đã giảm thiểu do nhân dân cơ bản xử lý lượng rác thải mềm sinh hoạt ngay tại hộ, nhưng về lâu dài lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm vì hố đựng rác thải ở ngay tại khuôn viên gia đình không có nắp đậy, không dùng chế phẩm để xử lý phân hủy rác thải hữu cơ dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm đất, không khí và vệ sinh môi trường. Trước tình hình thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” ở xóm B, xã Hải Lý nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; trang bị cho người nông dân các kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, thu hút 112 hộ tự nguyện đăng ký tham gia mô hình. Sau thời gian đi vào hoạt động, Hội Nông dân xã đã đánh giá hiệu quả mô hình và đã nhân rộng trong địa bàn toàn xã và một số địa phương trong huyện. Hội Nông dân xã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn và nâng cao nhận thức kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư giữ vệ sinh môi trường nông thôn; hướng dẫn các hộ gia đình, quản lý sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên, trồng hoa hai bên đường, xây dựng ý thức tự quản và hàng tháng chọn ngày phát động phong trào thi đua, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh và cải tạo ao tù nước đọng vào một ngày cố định của tháng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã xây dựng câu lạc bộ nông dân tự quản về môi trường; đẩy mạnh hoạt động công tác Hội, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt của chi hội. Hằng năm, xây dựng kế hoạch hưởng ứng các sự kiện môi trường, phát động phong trào thi đua “sạch từ nhà ra ngõ và sạch từ ngõ vào nhà”, “ăn sạch, uống sạch và ở sạch”. Đến nay, 18 xóm đã xây dựng được hương ước trong đó có nội dung bảo vệ cảnh quan môi trường. Theo đó, mọi người dân trong xóm có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhà văn hoá, câu lạc bộ và điểm hoạt động thể dục, thể thao của xóm, xây dựng đường ngõ xóm bằng bê tông làm đường điện thắp sáng, truyền thanh và các công trình công cộng trên địa bàn xóm. Không được đào bới, lấn chiếm đường giao thông, đường làng, ngõ xóm, bờ kênh mương, làm thiệt hại đến các công trình giao thông, thuỷ lợi và các công trình khác. Xây dựng các khu vệ sinh chăn nuôi cạnh đường phải che đậy kín đáo, có hầm bi-ô-ga để xử lý, không để dây bẩn và bốc mùi hôi thối ra xung quanh, xử lý nước thải trước khi ra cống, ra sông gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt Tết trồng cây và bảo vệ hàng cây trồng ven đường, chăm bón cho xanh tốt, không chặt cây cối bừa bãi, ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của địa phương, hương ước của xóm. Vào ngày 30 hằng tháng, tổ chức vận động cán bộ, hội viên nông dân thu dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh và vệ sinh các khu công cộng. Hội Nông dân xã tổ chức tuyên truyền tới các chi hội thực hiện tốt 6 nội dung cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó đề ra các tiêu chí để tuyên truyền vận động hội viên nông dân phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trước khi tập kết tại các nơi công cộng để đem ra khu xử lý tập trung.
Cùng với đó, để hỗ trợ địa phương triển khai mô hình, Hội Nông dân tỉnh ký kết với Công ty Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và Công ty cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường đầu tư 112 thùng ủ rác thải hữu cơ và 360 gói chế phẩm giao cho 112 hộ tham gia mô hình. Quá trình sử dụng chế phẩm sinh học trong thùng ủ rác hữu cơ sẽ làm cho rác được phân giải nhanh, tạo mùn bã hữu cơ làm phân bón hữu cơ vi sinh, thúc đẩy nhanh quá trình mùn hoá; tạo chất kháng sinh hoặc chất ức chế các vi sinh vật có hại như: vi sinh vật gây bệnh, gây thối, làm giảm thiểu mầm bệnh và làm giảm tối đa mùi hôi thối trong chất thải. Rác thải hữu cơ sau khi phân loại và đưa vào thùng ủ bổ sung thêm trấu và chế phẩm EMIC từ 30 đến 40 ngày sau thành phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng; giảm thiểu được lượng rác thải ra môi trường. Trong quá trình phân hủy không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước từ rỉ rác được thu lại và hòa loãng đem tưới cho cây trồng có hiệu quả. Thông qua xây dựng mô hình giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về bảo vệ môi trường sống, từ đó có hành động đối xử với môi trường được thân thiện hơn, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, sạch đẹp. Mô hình cũng giúp cho hoạt động của Hội Nông dân xã Hải Lý đi vào hoạt động, sinh hoạt theo hướng chuyên đề, thiết thực và có chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động của Hội qua đó tập hợp thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt hội./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn