Ý Yên chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội

08:11, 19/11/2018

Huyện Ý Yên hiện có 12.532 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp thường xuyên, trong đó có 8.089 người cao tuổi (80 tuổi trở lên), 3.435 người khuyết tật, 411 người nghèo đơn thân, 108 trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng yếu thế khác. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ, đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo xã Yên Cường đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Côi, 100 tuổi, ở làng Cời. 
Lãnh đạo xã Yên Cường đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Côi, 100 tuổi, ở làng Cời. 

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách của Nhà nước về công tác bảo trợ xã hội, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội. Phòng LĐ-TB và XH hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát các đối tượng yếu thế, thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng, trên cơ sở đó triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ; lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng bảo trợ mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp đối với đối tượng không còn trong diện bảo trợ xã hội. Hằng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn Ban chỉ đạo, Hội đồng xét duyệt chế độ bảo trợ xã hội, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, tiến hành xác định mức độ khuyết tật, thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật; xét duyệt chế độ bảo trợ xã hội cho các đối tượng người cao tuổi (trên 80 tuổi, không có lương hưu hoặc trợ cấp khác); trẻ em mồ côi, người đơn thân nuôi con nhỏ… Trong 11 tháng năm 2018, các xã, thị trấn trong huyện đã rà soát, thẩm định xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội cho trên 1.072 trường hợp thuộc diện người cao tuổi theo Nghị định 06/NĐ-CP của Chính phủ; diện người khuyết tật và các trường hợp khác hưởng trợ cấp thường xuyên. Công tác xét duyệt chế độ bảo trợ được Hội đồng xét duyệt các xã, thị trấn tổ chức công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định. Các xã, thị trấn cũng đã đưa 907 đối tượng ra khỏi diện trợ cấp thường xuyên, do đối tượng mất, đã thoát nghèo hoặc trẻ em quá tuổi không trong diện được trợ cấp… Thời gian qua, 100% đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách. Riêng trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bảo trợ toàn huyện đạt trên 4,8 tỷ đồng, chi trả đảm bảo đầy đủ, tận tay đối tượng hoặc người được ủy quyền, người bảo lãnh. Huyện giải quyết thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT miễn phí cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội. Từ đầu năm 2018, huyện đã cấp thẻ BHYT cho 72.420 đối tượng thuộc các diện: bảo trợ, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người tham gia kháng chiến…, tạo thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng. Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, con em đi học được miễn, giảm học phí, được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ học nghề… Khi đối tượng chết được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định. Cùng với đó, công tác cứu trợ đột xuất được quan tâm giải quyết kịp thời… Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các đối tượng bảo trợ xã hội đều được nhận trợ cấp kịp thời, đúng tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, huyện còn trích kinh phí trợ cấp cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp khó khăn đột xuất. Bên cạnh chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, huyện đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động nhân đạo, từ thiện nhằm huy động thêm nguồn lực chăm lo cho đối tượng yếu thế. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Ngân hàng NN và PTNT huyện tặng quà cho 50 hộ nghèo; Cty Xi măng Bút Sơn tặng tiền mặt cho 100 hộ nghèo và 30 suất quà cho hộ nghèo. Nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hội từ thiện tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các đối tượng bảo trợ xã hội có khả năng lao động, người nghèo, cận nghèo được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các con nuôi, giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao…, giúp họ tự lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Huyện đã vận dụng các cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực của các cấp, các ngành thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đối với các hộ nghèo do thiếu vốn làm ăn, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH, các ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Hằng năm, có hàng nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, cải tạo nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm. 

Với việc thực hiện tốt chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, huyện Ý Yên đã kịp thời giúp các đối tượng này giảm bớt khó khăn, tự lực vươn lên ổn định cuộc sống./. 

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com