Hiện nay thời tiết đang bước vào thời điểm giao mùa, thu - đông; các loại bệnh có nguy cơ xảy ra là cảm cúm, sốt vi rút, bệnh tay - chân - miệng, đau mắt đỏ, các bệnh về hô hấp và khớp. Đây là thời điểm cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi bởi đề kháng kém. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, những ngày này, số lượng bệnh nhi đến khám bệnh và điều trị nội trú tăng, trung bình khoảng 220-300 bệnh nhân/ngày, chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp (chiếm 70%). Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày này, người đến khám, điều trị chủ yếu là người cao tuổi mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp (viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…), bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ…
Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). |
Để ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh thời điểm giao mùa thu - đông, Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh tại các cơ sở điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố bố trí cán bộ thường trực 24/24h đáp ứng yêu cầu khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch bệnh; chuẩn bị đủ thuốc, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp... Bệnh viện Nhi tỉnh bố trí cán bộ trực 24/24h, đồng thời chuẩn bị các phương tiện khám, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhi. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân các biện pháp chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa thu đông như: cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng, cao huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi; thành lập các đội chống dịch cơ động nhằm sẵn sàng hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi có tình huống xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và các Đội cơ động phòng chống dịch; xây dựng cơ số thuốc, hóa chất, máy móc phục vụ phòng chống dịch; lực lượng cán bộ chuyên môn của các Đội cơ động chống dịch thường xuyên túc trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường công tác giám sát bệnh nhân từ tuyến cơ sở, phát hiện sớm ngay từ những trường hợp đầu tiên, không để dịch lan rộng. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân về các biện pháp phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa thu - đông, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên họp giao ban với các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh; chủ động tiêm vắc-xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch bệnh. Hướng dẫn để người dân biết trong thời điểm giao mùa cần vệ sinh nhà cửa và quanh khu vực mình sinh sống sạch sẽ, phát quang bụi rậm và khơi thông các rãnh thoát nước để diệt trừ côn trùng có hại. Ở thời điểm giao mùa giữa thu và đông, trong một ngày có thể xuất hiện nhiều hình thái thời tiết, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Chính vì vậy, người dân cần nắm được để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình; tăng cường vận động... để tăng sức đề kháng tránh được các nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế khuyến cáo mọi người giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày, không thức khuya, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh bị nhiễm lạnh để phòng bệnh. Đối với người cao tuổi thường có thói quen dậy sớm tập thể dục nhưng trong thời điểm giao mùa, nhất là vào lúc sáng sớm tiết trời se lạnh cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời. Đối với trẻ em, ngoài việc mặc quần áo phù hợp khi thời tiết thay đổi, khi ra đường nên mang khẩu trang để tránh khói bụi, mầm bệnh. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao nghi mắc dịch bệnh, cần có trách nhiệm khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị; ngành Y tế kịp thời tiến hành khoanh vùng ổ dịch./.
Bài và ảnh: Minh Thuận