Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xã Nam Thanh (Nam Trực) đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC), qua đó làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về dân chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cán bộ xã Nam Thanh chuẩn bị nội dung tuyên truyền pháp luật tới nhân dân. |
Đồng chí Phạm Bá Liêng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thanh cho biết: Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Nam Thanh đẩy mạnh việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện QCDC đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng các chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, xã công khai những nội dung liên quan cần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bằng nhiều hình thức như: thông qua các kỳ họp HĐND, UBND; thông qua hệ thống loa truyền thanh ở các khu dân cư; niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xóm, họp dân; qua tiếp xúc cử tri hoặc qua các buổi sinh hoạt đoàn thể để nhân dân biết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kế hoạch sử dụng đất; các đề án phát triển kinh tế; các khoản huy động nhân dân tự nguyện đóng góp, việc thực hiện các chủ trương, chính sách cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất; bình xét hộ nghèo, mức thu và xử lý rác thải, rác thải làng nghề, các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, các chế độ chính sách xã hỗ trợ cho nhân dân... Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà hình thức công khai có thể thông qua một hay nhiều hình thức để chuyển tải đến nhân dân được biết. Người dân thực hiện bàn, biểu quyết thông qua các cuộc họp cử tri hoặc đại diện hộ gia đình họp dân, từ đó vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như trong xây dựng NTM đã phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân đóng góp hàng chục nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm... Tại thôn Nội, thực hiện chủ trương xây dựng “khu dân cư văn hóa NTM”, chi bộ, tổ dân thôn Nội quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng tiêu chí khu dân cư văn hóa NTM; họp toàn thể nhân dân trong thôn bàn, thống nhất cách làm, thống nhất mức đóng góp; huy động nguồn lực xã hội hóa để làm đường thôn xóm, nhà văn hóa, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, nâng cao đời sống nhân dân trong thôn. Kết quả, thôn đã đổ bê tông được gần 4km đường trục chính của thôn, các đường dong xóm và gần 1km đường nội đồng. 100% đường thôn có hệ thống đèn chiếu sáng, trục đường chính của thôn đã có hàng cây xanh. Xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt tiêu chuẩn theo khu dân cư văn hóa NTM. Với sự nỗ lực của chi bộ, tổ dân và sự vào cuộc tích cực của nhân dân, thôn Nội đã hoàn thành các tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận “khu dân cư NTM” năm 2017. Cùng với thôn Nội, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cũng được 22 thôn khác trong xã tích cực hưởng ứng. Mặt khác, từ nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn đóng góp của nhân dân, xã đã tập trung nâng cấp hệ thống đường trục xã, trường học, chợ. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, xã Nam Thanh đã xây dựng và cải tạo được 2,3km đường bê tông trục xã, 7 phòng học cho Trường Tiểu học Nam Ninh và Trường Mầm non Nam Ninh và xây dựng nhà đa năng cho Trường Tiểu học Nam Long trị giá 2,3 tỷ đồng; 4,5km đường bê tông dong xóm dầy 15-20cm rộng 2,5 đến 3m trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra xã tập trung nguồn vốn xây dựng chợ Nam Thanh với tổng trị giá 4 tỷ 469 triệu đồng. Cùng với việc công khai những nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xã thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, hộ tịch, công chứng, chứng thực được công khai, giải quyết nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân; phòng tiếp dân được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, niêm yết đầy đủ các nội quy, quy trình, quy định, hướng dẫn phục vụ cho việc tiếp công dân được thuận lợi. Ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ công dân của đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện đảm bảo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền luôn được nêu cao. Từ năm 2016 đến nay, xã đã tiếp 54 lượt người; tiếp nhận 7 đơn thư, vụ việc; đến nay đã cơ bản giải quyết xong các vụ việc theo quy định của pháp luật. Mặt khác, vai trò giám sát của nhân dân luôn được phát huy, qua đó, những kiến nghị, đóng góp của nhân dân với chính quyền xã đã được Ủy ban MTTQ tiếp nhận và gửi đến chính quyền xem xét, giải quyết. Toàn xã hiện có 23 Ban công tác Mặt trận và 23 tổ hòa giải cơ sở thôn, xóm, các ban, tổ hoà giải ở xã và khu dân cư đã kịp thời tham gia, phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Từ năm 2016 đến nay, các ban, tổ hòa giải đã tổ chức giám sát 12 cuộc; tiếp nhận và hòa giải thành 5 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%.
Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xã. Qua đó tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ xã (2015-2020) đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển mạnh. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2% năm; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 85,5%; phong trào văn hóa - thể thao, y tế, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng