Theo báo cáo của ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh, trong 9 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu về công tác dân số toàn tỉnh cơ bản đạt kế hoạch đề ra; trong đó, số trẻ sinh ra là 11.308 trẻ, giảm 193 trẻ so với cùng kỳ, phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh năm 2018 so với năm 2017 là 0,1%o; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2017 là 0,5-1,0%; tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái.
Cán bộ Trạm Y tế Hải Nam (Hải Hậu) tuyên truyền về sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai. |
Đạt được kết quả trên, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai thực hiện các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số như: Đề án Sàng lọc sơ sinh, trước sinh, Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2017-2020. Thực hiện Đề án Sàng lọc sơ sinh, trước sinh, trong chiến dịch truyền thông lồng ghép, các địa phương đã tổ chức 54 buổi nói chuyện chuyên đề, cấp phát 17.600 tờ rơi tuyên truyền về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Trung tâm Chăm sóc SKSS, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ các trạm y tế về trang thiết bị, dụng cụ kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ - chăm sóc SKSS đảm bảo an toàn, thuận tiện. Các đơn vị đều bố trí máy siêu âm phục vụ chiến dịch; tư vấn về SKSS cho 32.121 lượt phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai kiến thức, kỹ năng về sàng lọc sơ sinh, trước sinh. Tại Hải Hậu, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông nhóm, phát tờ rơi có nội dung về cách làm mẹ an toàn để người dân biết được lợi ích từ việc sàng lọc sơ sinh, trước sinh. Đến nay, toàn huyện đã lấy được hơn 300 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh gửi xét nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương; phát hiện có 2 cháu nghi bị thiếu men G6PD và 1 cháu bị nghi mắc suy giáp trạng bẩm sinh. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với cán bộ dân số các xã, thị trấn có trẻ nghi mắc tổ chức đến thăm và tuyên truyền, vận động bố mẹ các cháu sớm đưa con đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc sau này. Việc triển khai Đề án "Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” tại Hải Hậu nói riêng và ở tỉnh ta nói chung đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Thời gian qua, toàn tỉnh có trên 10 nghìn ca trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc 2 bệnh: suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trong đó, phát hiện kịp thời số ca nghi ngờ thiếu men. Các cháu mắc bệnh đều được Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện thăm hỏi, động viên, tư vấn, giới thiệu đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra, điều trị và theo dõi. Đến nay, có nhiều cháu điều trị hiệu quả và phát triển bình thường.
Tại huyện Nghĩa Hưng, thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông bằng các hình thức như: Tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn; cán bộ chuyên trách cấp xã tổ chức các buổi tư vấn nhóm nhỏ, sinh hoạt CLB tiền hôn nhân, CLB cha mẹ có con tuổi vị thành niên, thanh niên tại các xã thụ hưởng Đề án để cung cấp kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên. Chủ động phối hợp với các trường THCS tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tư vấn các chủ đề: tình bạn, tình bạn khác giới và tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh thai ngoài ý muốn, phòng tránh lạm dụng tình dục trẻ em, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai hiện đại… giúp cho vị thành niên, thanh niên tiếp cận các thông tin chuẩn xác. Riêng tại 3 xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám sức khỏe cho 277 học sinh khối lớp 9, phát hiện 122 em cận thị, 2 em loạn thị, 1 em gan nhiễm mỡ, 2 em u nang buồng trứng, 4 em cao huyết áp; được bác sĩ tư vấn và giới thiệu đến các cơ sở y tế điều trị.
Để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của vị thành niên, thanh niên trong việc tự bảo vệ nâng cao sức khoẻ bản thân, ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2017-2020. Trong đó, nâng cao kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành của vị thành niên, thanh niên về CSSK-KHHGĐ, tăng cường cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, đảm bảo gia đình, môi trường thân thiện đối với vị thành niên, thanh niên. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 55% vị thành niên, thanh niên hiểu biết cơ bản về các biện pháp tránh thai, tác hại của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tăng tỷ lệ điểm cung cấp chăm sóc SKSS đối với vị thành niên, thanh niên đạt trên 20%, giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống còn 30%. 70% các trường THCS và THPT trong tỉnh lồng ghép giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS vào các môn học và sinh hoạt ngoại khóa... Theo kế hoạch, hết năm 2018, Đề án được triển khai tại 100 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố. Để thực hiện mục tiêu đề ra, các địa phương chủ động lồng ghép các hoạt động truyền thông dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên trong hệ thống dân số - KHHGĐ các cấp. Mở rộng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ thân thiện với vị thành niên, thanh niên. Các cơ sở giáo dục xây dựng và duy trì "Góc học thân thiện", cung cấp các tài liệu về giáo dục giới tính, hôn nhân gia đình, chăm sóc SKSS, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho đội ngũ giáo viên. Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số - KHHGĐ các cấp về kiến thức đặc điểm phát triển tâm, sinh lý vị thành niên, thanh niên; cung cấp dịch vụ và trợ giúp vị thành niên, thanh niên chủ động thực hiện các hành vi có lợi về chăm sóc SKSS-KHHGĐ./.
Bài và ảnh: Việt Thắng