Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số vụ vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn huyện Trực Ninh phát sinh ngày càng nhiều với biểu hiện đa dạng và phức tạp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước thực trạng đó, huyện Trực Ninh đã có nhiều giải pháp khắc phục, xử lý vi phạm pháp luật hành chính nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương địa bàn.
Công an huyện Trực Ninh phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa vi phạm lưu thông trên địa bàn. |
Để thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ vi phạm, người có thẩm quyền xử lý và mọi tầng lớp nhân dân để giám sát việc thực hiện với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị, sinh hoạt CLB; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của huyện, Đài Phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn; cấp phát tài liệu... Các ngành có chức năng xử phạt VPHC cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử phạt nhằm giúp cán bộ, công chức nắm chắc văn bản pháp luật và kỹ năng xử lý từng đối tượng, nhóm hành vi vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 75 hội nghị tuyên truyền, tập huấn Luật Xử lý VPHC và các văn bản pháp luật liên quan cho 15 nghìn lượt người tham gia, phối hợp với Sở Tư pháp tập huấn chuyên sâu về xử lý VPHC cho 300 cán bộ, công chức các phòng, ban, xã, thị trấn; cấp hàng trăm biểu mẫu, hồ sơ về xử lý VPHC cho cán bộ các phòng, ban, đơn vị và xã, thị trấn. Qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong công tác thi hành pháp luật của cán bộ, công chức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp khiếu nại, tố cáo về xử phạt VPHC. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn và cương quyết xử lý dứt điểm mọi hành vi vi phạm ngay khi mới phát sinh. Trong đó, tập trung chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về xử lý VPHC các lĩnh vực trọng tâm như: tài nguyên - môi trường, an ninh trật tự, nghĩa vụ quân sự... Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật cũng như tình hình thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng bị xử phạt. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Điển hình như trong đợt kiểm tra việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự tại các xã, thị trấn, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển quân như: còn xảy ra tình trạng thanh niên đủ tuổi và sức khỏe trốn khám, trốn nhập ngũ, cán bộ có biểu hiện bao che, chưa xử lý dứt điểm; việc xác lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm còn sai sót dẫn đến chưa xử lý kịp thời, ảnh hưởng tới kết quả tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của huyện. Đồng thời đề nghị các xã, thị trấn cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của thanh niên, quản lý chặt chẽ nguồn thanh niên đã đủ điều kiện nhập ngũ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, nêu cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Kiên quyết xử lý những trường hợp chống, trốn, cản trở việc thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Nhờ đó đã góp phần đưa công tác tuyển quân đi vào nền nếp.
Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện xảy ra 360 vụ vi phạm; lực lượng chức năng đã xử phạt với số tiền trên 223 triệu đồng; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính 36 đối tượng. Việc áp dụng các biện pháp xử lý VPHC đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi VPHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Việc áp dụng biện pháp xử lý VPHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định người nghiện ma túy. Công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ nên quá trình thực hiện còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Một số đối tượng sau khi thực hiện hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt VPHC của các cơ quan chức năng thì rời khỏi địa phương không chấp hành xử phạt hành chính. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số đối tượng còn có hành vi chống đối khi bị cơ quan chức năng xử lý. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý VPHC, thời gian tới huyện Trực Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với những nội dung thiết thực phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Chủ động nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn và các loại đối tượng, các cơ quan liên quan phải phối hợp với nhau giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, vụ việc phức tạp, không để kéo dài hoặc hình thành những điểm nóng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, quan tâm và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác xử lý VPHC; thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt VPHC, đặc biệt các xã, thị trấn, góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa các VPHC trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Văn Trọng