Nằm ở hạ lưu của các sông lớn giáp Biển Đông, tỉnh ta có mạng lưới giao thông đường thủy đa dạng, phong phú, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và quốc tế. Sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Hồng là các tuyến trung chuyển hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện vận tải thủy có trọng tải hàng nghìn tấn chạy qua. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường thuỷ còn tồn tại nhiều bất cập.
Vận tải hàng hóa trên tuyến sông Đào (TP Nam Định). |
Qua kết quả khảo sát thực địa của các lực lượng thành viên Ban ATGT tỉnh cho thấy: Tĩnh không của nhiều công trình vượt sông còn thấp, khoang thông thuyền hẹp, đặc biệt là cầu đường bộ, đường sắt. Thước báo hiệu mực nước kẻ khổ chữ nhỏ, mờ, không phản quang về ban đêm, đèn tín hiệu không đủ sáng, khó quan sát dẫn đến nguy cơ gây mất ATGT. Hiện tượng phù sa bồi lắng bên lở, bên bồi của của một số tuyến đường thủy gây biến đổi luồng tàu chạy, tạo ra các bãi cạn vào mùa khô, không đảm bảo quy tắc an toàn luồng theo cấp kỹ thuật, gây khó khăn cho phương tiện vận tải hoạt động. Nhiều tuyến sông, kênh ở các địa phương có hoạt động vận tải, song chưa được tổ chức quản lý, đặc biệt là hệ thống sông, kênh nội địa thuộc địa bàn tỉnh. Điển hình trong số các tuyến đường thủy phức tạp phải kể đến tuyến sông Đào. Do quy luật thủy triều, bờ sông bên lở, bên bồi nên bờ bên bồi của sông Đào (phía giáp thành phố) ngày càng gia tăng độ cạn. Dù chỉ khảo sát bằng mắt thường khi xác định thiết bị biển hiệu ATGT đường thủy tại đoạn Đền Cây Quế, khi lắp đặt cắm sát mép đền nhưng đến nay đã dịch chuyển khoảng 300m so với vị trí ban đầu. Bên cạnh đó, tại khu vực ngã ba Hưng Long (Km1+00 sông Đào) là vị trí cong cua, luồng chạy tàu hẹp, tầm nhìn bị che khuất, lại là khu vực có nhiều điểm bị khan, cạn. Gần ngay khúc cong này là cầu Tân Phong với thiết kế chân đế của các mố cầu Tân Phong to hơn các cầu trên tuyến khiến luồng chạy tàu tiếp tục bị thu hẹp; trụ cầu Tân Phong thiết kế vừa chìm vừa nổi so với sự thay đổi của mực nước cao thấp và có hình vuông khiến người điều khiển phương tiện không quan sát được. Trong khi đó, tuyến sông Đào tại địa phận tỉnh ta lại có rất nhiều phương tiện đi qua. Với đặc điểm ở vị trí bãi bồi, thường bị cạn, khi cua vào khúc cong của dòng sông, ngay lập tức đối mặt với cầu Tân Phong, các lái tàu không nắm vững về luồng, lạch sẽ có nguy cơ cao bị mắc cạn, va chạm trực diện vào đế, trụ cầu. Bên cạnh đó, hầu hết các phương tiện vận tải hàng hóa đường thủy đều tận dụng lúc thủy triều lên để lưu thông dẫn tình trạng đua nhau chạy theo con nước, nên gia tăng đột biến số phương tiện cùng lúc khởi hành. Thực trạng này cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng các vụ va chạm giao thông đường thủy. Mới đây, khi đang lưu thông theo hướng từ hạ lưu về thượng lưu qua khu vực chân cầu Tân Phong trên sông Đào, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), tàu NĐ-2853 của Cty TNHH Nam Giang, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chở hơn 1.000 tấn xi-măng đã va chạm với tàu chở cát (biển kiểm soát HN-0686) di chuyển ngược chiều. Vụ va chạm tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm tàu chở xi-măng chìm xuống sông Đào, gây thiệt hại về kinh tế cho chủ tàu, chủ hàng.
Đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để tăng cường bảo đảm ATGT đường thủy, nhất là tại các luồng tuyến phức tạp, Ban ATGT tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa quan tâm bố trí kinh phí nạo vét, thanh thải các điểm khan cạn, xử lý các điểm cong cua gây nguy cơ mất ATGT, lắp đặt biển báo tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm trên tuyến các tuyến đường thủy. Cục Đường thủy nội địa đã bố trí kinh phí từng bước bổ sung hệ thống biển báo tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm, lắp đặt hệ thống chống va ở một số cầu lớn. Hiện Ban ATGT tỉnh tiếp tục kiến nghị, đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa chủ động ưu tiên kinh phí dành cho thiết kế, lắp đặt các bọc chống đâm va bằng cao su, sơn phản quang cho hệ thống trụ cầu để ngay từ xa người điều khiển phương tiện dễ dàng nhận biết. Đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống chống đâm va đạt quy chuẩn an toàn cao. Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với ngành Công an và các đơn vị liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương kiểm tra hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn; các vi phạm về khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng sông, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng đến luồng tàu và hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy