Qua 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông

08:10, 05/10/2018

Thực hiện Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông của tỉnh giai đoạn 2015-2018, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) giao lưu bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) giao lưu bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.

Để thực hiện hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn năm 2015-2020”. Theo đó, từ năm học 2016-2017, tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tiếp tục mở rộng việc triển khai đề án, phấn đấu đến năm học 2019-2020 sẽ đưa giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh có thu học phí ở khoảng 35 trường có chất lượng khá, tốt. Tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho khoảng 10 trường với tình nguyện viên nước ngoài. Mở rộng hợp tác dạy bằng tiếng Anh có thu học phí môn Toán và các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) cho các trường có đủ điều kiện. Ngay trong năm đầu tiên triển khai đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy đã có 10 trường trên địa bàn Thành phố Nam Định tham gia, trong đó có 5 trường THPT, 3 trường THCS và 2 trường tiểu học với số lượng 4.334 học sinh theo học. Năm học 2016-2017 đã có 38 trường với 10.455 học sinh theo học. Trong năm học 2017-2018 đã có 59 trường, gồm 12 trường THPT, 13 trường THCS và 34 trường tiểu học với số lượng 17.389 học sinh theo học. Việc triển khai đã được 8/10 huyện, thành phố tham gia. Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) là đơn vị đi đầu trong các trường tiểu học của tỉnh khi thực hiện thí điểm dạy và học tiếng Anh. Ngay từ năm 2015, nhà trường đã xây dựng và chỉ đạo dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Việc đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo dạy học tiếng Anh được thực hiện bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức từ ban giám hiệu đến giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu đã cùng với các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên tiếng Anh trong trường bàn bạc và xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho việc dạy học tiếng Anh có hiệu quả. Thông qua Phòng GD và ĐT, nhà trường phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy cho học sinh. Học sinh được trang bị những kiến thức sơ giản, cơ bản cần thiết về ngoại ngữ ngay từ những ngày đầu đến lớp và rất hứng thú khi được tiếp cận với ngoại ngữ do người bản ngữ giảng dạy. Để công tác quản lý hiệu quả, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với trung tâm tiếng Anh tổ chức dự giờ, trao đổi chuyên môn. Nhà trường yêu cầu trung tâm tiếng Anh lên kế hoạch dạy cụ thể theo tiết, theo tuần, tháng và học kỳ; nhóm trưởng tiếng Anh của nhà trường xem, chỉnh sửa, bổ sung và duyệt trước khi lên lớp giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với trung tâm ngoại ngữ tổ chức các chương trình giao lưu với giáo viên nước ngoài vào các dịp lễ, tết tạo điều kiện để các em phát triển ngôn ngữ và tự tin trong giao tiếp. Tổ chức các cuộc giao lưu, thi hùng biện tiếng Anh, câu lạc bộ tiếng Anh… nhằm phát huy khả năng giao tiếp, nghe nói của học sinh. Khuyến khích giáo viên tự học, tự đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Qua từng năm học, chất lượng học ngoại ngữ của học sinh được nâng cao, các em say mê học tập và tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài. Hằng năm, nhà trường có khoảng 150 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi giải Toán bằng tiếng Anh qua mạng internet, thi IOE, TOEF Primarry cấp huyện và trên 50 em đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Việc thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn năm 2015-2020 đến nay mới được triển khai qua 3 năm học nhưng đã tạo sự chuyển biến rõ nét. Các trường đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy đã tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, đồng thời giúp giáo viên các nhà trường giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Qua 3 năm, kết quả học tập, nghe nói của học sinh đã có những bước chuyển biến rất tích cực. Điểm trung bình thi Hùng biện tiếng Anh vòng chung kết cấp tỉnh hằng năm đã tăng lên rõ rệt. Điểm trung bình thi ở cấp tiểu học tăng 1,4 điểm, cấp THCS tăng 2,5 điểm và khối THPT tăng 1,8 điểm. Kết quả thi Ô-lim-pích tài năng tiếng Anh cấp toàn quốc của tỉnh trong 3 năm Bộ GD và ĐT tổ chức đạt kết quả xuất sắc. Điểm trung bình thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của tỉnh được cải thiện theo từng năm. Năm 2016 tỉnh ta xếp thứ 19, năm 2017 vươn lên thứ 9, năm 2018 đứng ở vị trí thứ 5 trong toàn quốc. Năm học 2017-2018, kết quả dự thi Toán học Hà Nội mở rộng (thi bằng tiếng Anh) học sinh của tỉnh tham dự đã đoạt 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Đối với đội ngũ giáo viên nước ngoài, trong năm học 2015-2016 có 8 giáo viên, năm học 2017-2018 đã có 32 giáo viên; 100% giáo viên nước ngoài đến từ các nước Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa,… có trình độ đại học trở lên và có Chứng chỉ Quốc tế về giảng dạy tiếng Anh (CELTA, TESOL, TEFL). Giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy tại các nhà trường đã góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông. Do có phương pháp dạy học hiện đại giúp bài học trở nên thú vị, tạo cho học sinh cảm giác lôi cuốn, thích thú. Học sinh có nhiều cơ hội trao đổi, trò chuyện và tiếp xúc với người nước ngoài, qua đó giúp các em dần hoàn thiện hơn về kỹ năng giao tiếp. Phần lớn học sinh đều cho rằng bài giảng của các thầy cô giáo nước ngoài rất hay và dễ hiểu, giáo viên có những cách truyền đạt từ vựng bằng các trò chơi, hình ảnh minh họa hay các hành động để diễn đạt từ mới, giúp học sinh ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên. Nhiều học sinh cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh và các em đặc biệt thích thú với các hoạt động ngoại khóa vui tươi, bổ ích mà các thầy cô giáo nước ngoài và trung tâm ngoại ngữ tổ chức. Để thực hiện tốt Đề án đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy trong các nhà trường, Sở GD và ĐT cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các tổ chức dạy ngoại ngữ, điều chỉnh nội dung, phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập có đủ năng lực, đánh giá, kiểm tra chất lượng của cán bộ giảng dạy tiếng Anh, để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng giảng dạy.  

Trong giai đoạn 2018-2020, Sở GD và ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ của học sinh và giáo viên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói. Xây dựng chính sách, cơ chế thu hút giáo viên nước ngoài về làm việc lâu dài tại tỉnh. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, học liệu phục vụ dạy và học. Định kỳ có đánh giá, phân loại học sinh để có phương pháp giảng dạy hợp lý. Tiếp tục nhân rộng đề án tại nhiều trường học nhằm giúp cho học sinh có sự thụ hưởng giáo dục tốt nhất, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, mang đến một nguồn sinh khí mới, hào hứng và sôi nổi say mê học tập cho học sinh./. 

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com