Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường, hằng năm Sở TN và MT đều xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và kịp thời ra quyết định xử phạt khi phát hiện vi phạm. Ngoài phạt tiền còn kèm theo các yêu cầu khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, việc chấp hành các yêu cầu khắc phục vi phạm mặc dù đã được gia hạn nhưng vẫn chưa được các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp vi phạm trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm.
Các hộ sản xuất chưa chấp hành nghiêm pháp luật, chính quyền địa phương chưa quyết liệt xử lý vi phạm dẫn đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực) chưa được thực hiện. |
Một số trang trại chăn nuôi cạnh sông Sò, thuộc địa phận xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đã xả nước ra sông Sò gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tại khu vực nuôi trồng thủy sản và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân xã Hải Phúc (Hải Hậu). Sở TN và MT đã tổ chức kiểm tra theo kiến nghị của người dân huyện Hải Hậu, lập biên bản và ban hành Văn bản số 2681/STNMT-TTra ngày 6-10-2017 yêu cầu 3 trang trại khắc phục các bất cập về công tác BVMT xong trước ngày 30-3-2018. Nhưng đến ngày 4-4-2018, Sở TN và MT phối hợp với UBND huyện Giao Thủy, UBND xã Giao Thịnh tổ chức kiểm tra thấy 2 trong 3 trang trại chưa nghiêm túc thực hiện đúng các nội dung yêu cầu tại Văn bản số 2681/STNMT-TTra ngày 6-10-2017. Cụ thể, các trang trại chưa chấm dứt việc xả nước thải chưa xử lý ra sông Sò do chưa hoàn thành hệ thống xử lý; hồ sơ, thủ tục môi trường chưa thực hiện đúng quy định; chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ... Đến ngày 5-6-2018, các trang trại đã thừa nhận, ký biên bản vi phạm hành chính, ký cam kết khắc phục các tồn tại. Tại huyện Hải Hậu, tháng 10-2017, sau khi xuất hiện tình trạng các cơ sở tái chế nhôm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Hải Vân, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất tái chế nhôm tại xã. Qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu các cơ sở có biện pháp giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường và giao UBND xã Hải Vân kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Sau đó, ngày 8-5-2018, UBND huyện Hải Hậu tiếp tục kiểm tra các cơ sở cố tình vi phạm theo đơn thư phản ánh của nhân dân, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở sản xuất tái chế nhôm trên địa bàn xã Hải Vân, gồm: Cty TNHH Nhôm đúc hợp kim Hoàng Anh; Cty TNHH Phát triển sản xuất thương mại Hoàng Long; Cty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Hải; Cty CP Hợp kim nhôm Tân Thiên Phú. Ngày 21-5-2018, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở trên với hình thức phạt tiền 140 triệu đồng/cơ sở, đình chỉ hoạt động trong thời gian 6 tháng để khắc phục các tồn tại. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở vẫn không chấp hành các quyết định xử phạt của UBND huyện Hải Hậu và vẫn hoạt động bình thường.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt và các yêu cầu khắc phục sai phạm, bất cập tồn tại trong công tác BVMT. Để giải quyết thực trạng này, ngành TN và MT đã tập trung phân tích nhận diện nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể có vi phạm trong việc chấp hành quy định khắc phục sai phạm khi có quyết định xử phạt. Theo đó, các nguyên nhân được ngành TN và MT chỉ rõ là: nhận thức, ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác BVMT, xem việc BVMT thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Đối với hộ dân cư, làng nghề vi phạm do quy mô hoạt động nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thị trường, không có kế hoạch phát triển sản xuất bền vững vì vậy không quan tâm đến việc đầu tư công nghệ sản xuất ít gây hại cho môi trường và có tư tưởng chây ỳ, không nghiêm túc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm bắt buộc khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý Nhà nước của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, về BVMT chưa được quan tâm thường xuyên và thiếu quyết liệt trong xử lý hành chính các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN và MT, các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nói riêng. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về môi trường, kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý đối với những tổ chức cá nhân vi phạm. Tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động, đầu tư trang bị bổ sung thay thế phương tiện thiết bị kỹ thuật để đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác xử lý vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử lý và công chức làm công tác chuyên môn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nói riêng. UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin tài khoản của tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền theo đúng quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ để thuận lợi cho việc cưỡng chế chấp hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về trách nhiệm, nghĩa vụ phải chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT; khắc phục các bất cập, tồn tại sau khi có quyết định xử phạt về vi phạm pháp luật BVMT. Đồng thời, các địa phương phải chủ động nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của UBND cấp huyện, xã; bố trí cán bộ đảm bảo năng lực, số lượng, nguồn lực phục vụ cho công tác BVMT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát trong công tác BVMT, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đúng theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy