Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

08:10, 27/10/2018

Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, trong đó có 262 trường công lập và 4 trường tư thục với tổng số 4.045 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập và 268 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục mầm non tỉnh đã huy động được 29.392 trẻ ra nhà trẻ, đạt 41,4% độ tuổi, 98.879 trẻ ra lớp mẫu giáo, đạt 98,9% độ tuổi, trong đó có 37.641 trẻ 5 tuổi đến trường, đạt 99,97% dân số độ tuổi, đạt 100% diện phổ cập ra lớp. 

Giờ hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).
Giờ hoạt động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).

Với sự quan tâm của ngành GD và ĐT, các địa phương và sự cố gắng của các trường mầm non, đến nay số trẻ ở nhà trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 95,16% ở trẻ nhà trẻ và 98,23% trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú. Thực hiện chủ trương lấy chất lượng làm chính, không chạy theo thành tích, xây dựng uy tín với cộng đồng xã hội, ngành học đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, bảo đảm về vệ sinh, dinh dưỡng và các điều kiện an toàn cho trẻ, đặc biệt quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phòng dịch, phòng tai nạn, thương tích, ngộ độc thực phẩm. 100% cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. Ngành học tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Các trường mầm non đã tích cực xây dựng “Tủ sách trường học”, triển khai đến các nhóm lớp có góc sách truyện, thư viện của bé; tận dụng khoảng không gian cầu thang, ngoài hiên, ngoài sân để bố trí “Thư viện thân thiện” cho trẻ được trải nghiệm, làm quen với sách. Các tủ sách và thư viện ở các trường tăng dần về số lượng và chất lượng, phong phú về hình thức, chủng loại. Hiện tại toàn ngành có 639 tủ sách với hơn 300 đầu sách, chủ yếu là truyện cổ tích, ngụ ngôn; sách, truyện tự làm theo chủ đề trong chương trình giáo dục mầm non... đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với độ tuổi. Thực hiện chuyên đề giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, Sở GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề, đồng thời tập huấn chuyên đề cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, rà soát thực trạng theo tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và bổ sung các điều kiện thực hiện chuyên đề. Từ 63 trường mầm non xây dựng mô hình điểm chuyên đề, năm học này đã có 100% trường đăng ký thực hiện. Sở GD và ĐT đã tổ chức 3 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề cho 300 cốt cán chuyên môn, cấp huyện tổ chức 20 lớp tập huấn, hội thảo với 2.082 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham dự; cấp trường tổ chức 266 lớp với 7.794 lượt giáo viên tham dự. Hiện tại, môi trường giáo dục trong lớp và ngoài trời được thiết kế hợp lý, phong phú, thu hút trẻ tham gia hoạt động. Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi khá đa dạng, hấp dẫn, khuyến khích trẻ chơi sáng tạo, chủ động tìm tòi khám phá, trải nghiệm; trẻ mẫu giáo đã biết hợp tác, chia sẻ ý tưởng với bạn bè, giáo viên. Trong năm học vừa qua, Sở GD và ĐT đã tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, 266 trường mầm non có sản phẩm tham gia dự thi cấp huyện và lựa chọn được 30 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia dự thi cấp tỉnh. 30/30 video dự thi được quay có chất lượng, rõ hình, âm thanh tốt, thể hiện được sự tương tác giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với gia đình và giáo viên, đảm bảo thời gian quy định; mỗi sản phẩm thể hiện được đặc thù, tính sáng tạo của từng địa phương khi xây dựng cũng như sử dụng môi trường. Các sản phẩm dự thi cấp tỉnh đều được đánh giá ở mức độ từ khá đến xuất sắc và đã có 3 sản phẩm dự thi cấp toàn quốc được Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen. Thực hiện và giám sát việc đảm bảo quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo các chính sách ưu tiên đối với trẻ khuyết tật theo quy định, tạo thuận lợi cho trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động chung của lớp, đảm bảo thực hiện giáo dục hòa nhập có chất lượng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua góc tuyên truyền của trường, của nhóm lớp; trao đổi với phụ huynh giúp trẻ có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng. Hiện tại đã có hơn 100 trẻ khuyết tật học hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, 6.255 cháu có hoàn cảnh khó khăn được giảm học phí, 2.570 cháu được miễn học phí, 2.537 cháu được hỗ trợ kinh phí học tập; 3.364 trẻ 3, 4 tuổi và 5.226 trẻ 5 tuổi được hỗ trợ kinh phí ăn trưa. Để các nhà trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất; tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương duyệt quy hoạch sử dụng đất, bổ sung đất để xây dựng trường mầm non theo quy định; đầu tư xây dựng đủ phòng học phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chú trọng xây dựng công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đặc biệt là ở các điểm trường lẻ. Trong năm học 2017-2018, đã xây mới và cải tạo sửa chữa 266 phòng học; 150 công trình vệ sinh, 75 bếp ăn; 38 sân chơi; 33 công trình nước sạch; 100% điểm trường có sân chơi ngoài trời, trong đó có 85,25% sân chơi có từ 5 loại đồ chơi ngoài trời trở lên. Các nhà trường cải tạo, nâng cấp, bố trí góc chơi cho trẻ theo hướng xanh, sạch đẹp, an toàn thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời, ngành chỉ đạo các trường mầm non phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để ứng dụng trong giáo dục mầm non. Hiện tại, 100% các trường đã nối mạng internet, 100% cán bộ quản lý, 94,9% giáo viên biết ứng dụng CNTT vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Sở GD và ĐT cũng tham mưu với tỉnh cấp thiết bị, đồ chơi cho 193 trường mầm non, bao gồm 426 bộ thiết bị trong lớp cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi và 63 bộ thiết bị ngoài trời, thiết bị phát triển vận động trị giá 24,9 tỷ đồng.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Sở GD và ĐT, của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các trường mầm non trong tỉnh đang tích cực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học, giữ vững là ngành học đạt được nhiều thành tích, đứng trong tốp đầu toàn quốc./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com