Nâng cao chất lượng bữa ăn trong các nhà trường có tổ chức bán trú

08:10, 16/10/2018

Nhu cầu về dinh dưỡng của lứa tuổi học đường có vai trò quan trọng không chỉ đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của cơ thể trẻ mà còn đáp ứng được các hoạt động thể lực đa dạng và nhu cầu học tập của các em. Những năm qua, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD và ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giúp học sinh có sức khỏe tốt để học tập, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh. Năm học mới 2018-2019 hệ thống bếp ăn ở nhiều trường học đã được xây mới, sửa sang, nâng cấp trang thiết bị, đúng tiêu chuẩn, nhằm đảm bảo ATTP và dinh dưỡng để các em phát triển đầy đủ cả về trí lực, thể lực.

Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nam Dương (Nam Trực).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nam Dương (Nam Trực).

Có mặt tại bếp ăn của Trường Mầm non Nam Dương (Nam Trực) đúng vào lúc các cô nuôi dạy trẻ đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cháu, chúng tôi nhận thấy việc chế biến, nấu nướng và phân chia thức ăn cho các nhóm lớp đảm bảo an toàn, sạch sẽ, đúng quy trình. Để đảm bảo ATTP, ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác nuôi dưỡng, giao kế hoạch, chỉ tiêu số lượng cháu nuôi cho từng nhóm, lớp; đồng thời chỉ đạo nhà bếp thực hiện đúng quy trình bếp một chiều; xây dựng thực đơn phù hợp với thực tế, bảo đảm khẩu phần ăn trong ngày khoa học, hợp lý. Đặc biệt để bảo đảm ATTP nhà trường đăng ký mua thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ… Tại Trường Mầm non Thống Nhất (TP Nam Định), công tác vệ sinh ATTP, chăm sóc sức khỏe cho trẻ được quan tâm. Bước vào năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất được đầu tư, cải tạo, nâng cấp theo hướng chuẩn hoá, nhà trường luôn quan tâm thực hiện tốt quy trình chế biến thực phẩm theo quy định. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt. Các nhân viên làm ở nhà bếp đều mặc đồng phục sạch sẽ, đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, chia khẩu phần ăn cho học sinh. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường, đồng thời thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày 24/24 giờ theo quy định. Học sinh đến trường đều ăn bán trú, được khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng đầy đủ, được cân đo theo dõi biểu đồ phát triển từng quý... Đến Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định) đúng vào lúc học sinh chuẩn bị ăn trưa, cảm nhận của chúng tôi là trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP trong chế biến thức ăn cho học sinh. Nhà trường bố trí khu sơ chế thức ăn riêng trước khi đưa vào bếp nấu, các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng. Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, nhà trường hợp đồng mua thịt, rau củ quả tươi tại các cửa hàng an toàn, có địa chỉ rõ ràng, đảm bảo rõ nguồn gốc. Bếp ăn đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước máy sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô và trò đạt tiêu chuẩn y tế. Thực đơn các bữa ăn được nhà trường xây dựng theo mùa, đảm bảo khẩu phần và lượng dinh dưỡng…

Hiện tại, toàn tỉnh có 266 trường mầm non; 292 trường tiểu học; 237 trường THCS, 57 trường THPT, trong đó có 516 bếp ăn tập thể của 328 trường với khoảng 108 nghìn suất ăn thuộc các trường học ở các khối, bao gồm 100% trường mầm non, 30% trường tiểu học và một số trường THCS chuyên của các huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Để đảm bảo ATTP trong năm học mới 2018-2019, Sở GD và ĐT đã quán triệt các trường học thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP theo các quy định hiện hành nhằm tăng cường đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong nhà trường. Sở GD và ĐT chỉ đạo các phòng GD và ĐT phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn chỉ đạo công tác ATTP trong các trường học; tổ chức xây dựng bếp ăn đảm bảo ATTP theo từng cấp học; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trường học có tổ chức ăn bán trú... Các trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú phải thực hiện đúng các quy định đảm bảo ATTP; bếp ăn tập thể trường học phải được cấp giấy chứng nhận hoặc ký cam kết đủ điều kiện ATTP. Các trường tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ mua thực phẩm, nước uống ở những cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, giá thực phẩm của các đơn vị cung ứng, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP theo quy định cung ứng thực phẩm. Các nhà trường cũng công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày, cải tiến và phối hợp các món ăn hợp lý; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để bố trí đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn bán trú tại trường. Qua công tác kiểm tra định kỳ bếp ăn tập thể của các ngành chức năng tại các trường học bán trú cho thấy hầu hết các trường đều chấp hành đầy đủ các quy định về giấy tờ pháp lý, hồ sơ sổ sách, nhân viên phục vụ, thực hành vệ sinh cá nhân, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, sử dụng nguồn nước ăn - uống đảm bảo, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các yêu cầu về ATTP được đảm bảo theo quy định... Đặc biệt, từ năm học 2017-2018, học sinh tiểu học tại 61 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có tổ chức ăn bán trú đã được Sở GD và ĐT chọn thực hiện Dự án Bữa ăn học đường với sự phối hợp từ Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) và Cty Ajinomoto Việt Nam để chuẩn bị những bữa ăn học đường hợp lý, đa dạng và ngon miệng thông qua áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Đây là phần mềm thuộc Dự án Bữa ăn học đường nhằm cung cấp một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại, giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn bằng các nguyên liệu phù hợp với thực tế, có sẵn ở địa phương. Phần mềm được cung cấp miễn phí trên website của Dự án: www.buanhocduong.com.vn. Ứng dụng phần mềm này, các trường có thể linh động tự tạo ra các thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương, tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh hiệu quả. Bên cạnh phần mềm, bộ áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” cũng được triển khai đồng loạt đến các trường tiểu học bán trú, là công cụ giúp học sinh nhận biết giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và ăn đa dạng các loại thực phẩm. Năm học 2018-2019, Sở GD và ĐT chỉ đạo phòng GD và ĐT huyện, thành phố đồng thời với việc triển khai phát huy hiệu quả phần mềm tại 100% các trường có bếp ăn bán trú; chọn một số trường có điều kiện tập trung xây dựng điểm để rút kinh nghiệm, đảm bảo phát huy hiệu quả lợi ích của Dự án Bữa ăn học đường trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com