Được sự khuyến khích, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng, nhà trường và cha mẹ thông qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, học sinh ở nhiều trường học trong tỉnh đã sáng chế ra nhiều sản phẩm hữu ích trong cuộc sống từ phế thải.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thành (Mỹ Lộc) sử dụng mô hình “rô-bốt đa năng” do các em tái chế từ những đồ vật cũ hỏng. |
Gần đây, các bếp ăn tập thể của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học và nhiều hộ dân ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Tân, Yên Lợi (Ý Yên) rất hào hứng sử dụng loại nước rửa bát mới làm từ tro bếp bởi sản phẩm vừa có hiệu quả, vừa tiết kiệm, dễ sử dụng, không gây hại cho sức khỏe con người do không có thành phần hóa chất tẩy rửa như nước rửa bát thông thường. Đặc biệt, ở nông thôn nước thải sinh hoạt thường xả thẳng ra môi trường ao, hồ, kênh rạch, việc sử dụng nước rửa bát chế từ tro bếp lẫn trong nước thải nếu xả trực tiếp xuống ao hồ cũng không gây hại cho thủy sản hay các loài thuỷ sinh. Đây là sản phẩm của em Nguyễn Thị Ngọc, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Thị trấn Lâm nghiên cứu chế ra. Từ quan sát trong quá trình sinh hoạt hằng ngày kết hợp vận dụng kiến thức được học trong nhà trường, Ngọc nhận định tro bếp có thể sử dụng để chế biến làm nước rửa bát hiệu quả hơn nhiều loại chất hữu cơ cùng loại như vỏ cam, vỏ bưởi, bởi trong tro bếp ngoài cacbon ra còn có một lượng đáng kể muối kali cacbonat là loại muối khi tan trong nước tạo môi trường bazơ để phân hủy các protein bám trên bề mặt vật dụng. Hơn nữa, nước rửa bát làm từ tro bếp có thể sử dụng một thời gian dài vẫn không bị hỏng trong môi trường tự nhiên, không phải bảo quản trong tủ lạnh như các loại nước rửa bát tự chế khác. Ngọc đã nghiên cứu cách lọc tro bếp bằng cát và than củi để loại bỏ tạp chất, lấy phần nước trong để sử dụng. Sau khi dùng thử trong gia đình thấy hiệu nghiệm, Ngọc đưa cho hàng xóm và xin các thầy cô cho thử nghiệm dùng để rửa bát đĩa trong bếp ăn bán trú của nhà trường. Hiệu quả thực tế của sản phẩm đã nhanh chóng được mọi người công nhận, được nhiều gia đình, bếp ăn tập thể trên địa bàn tin tưởng sử dụng. Giải pháp “Chế tạo pin mặt trời từ đèn công suất hỏng” của các em Trần Vân Anh, Trần Mạnh Cường, Trường THCS Hải Nam (Hải Hậu) đã thu hút sự quan tâm, đánh giá cao của giáo viên và đông đảo học sinh trong nhà trường. Với ý tưởng chế tạo pin sử dụng năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng tích trữ trong các pin sạc, bình ắc quy phục vụ sinh hoạt hằng ngày như thắp đèn, nghe đài, chạy quạt, sạc điện thoại… hai em đã vận dụng kiến thức vật lý được học, tận dụng phế liệu chính là đui đèn công suất đã hỏng làm tế bào quang điện kết hợp với khả năng hấp thụ ánh sáng của đèn công suất và ghép nối các đui đèn công suất hỏng với nhau để tạo ra điện năng. Các em đã sử dụng 24 đui đèn công suất hỏng đấu nối trực tiếp trên một bảng kê rồi đưa ra ngoài trời hấp thu năng lượng mặt trời, kết quả thu được dòng điện 9,6-16,8V, cường độ dòng điện 40mA. Muốn tăng cường độ dòng điện, các em đấu song song nhiều dãy đui đèn công suất với nhau… Từ dòng điện thu được các em cho chạy qua bộ điều khiển sạc và IC ổn áp để ổn định dòng điện phát ra là 5V hoặc 12V. Nguồn điện này có thể sử dụng trực tiếp với thiết bị tiêu thụ điện năng hoặc nạp vào bình ắc quy sử dụng khi cần thiết. Ngoài việc sử dụng năng lượng sạch theo đúng mục tiêu tiết kiệm điện, giải pháp này còn đặc biệt hữu ích đối với vùng nông thôn hay cho ngư dân lao động trên biển và các vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm có khả năng áp dụng cao, giá thành rẻ, dễ sử dụng, thay thế, sửa chữa khi hỏng lại an toàn với môi trường và sức khỏe của người sử dụng. Ngoài những giải pháp tái chế phế liệu, nhiều học sinh trong tỉnh còn thể hiện sự sáng tạo như nghiên cứu chế tạo thành công “rô bốt đa năng” của tác giả Bùi Quang Minh, Trần Thị Khánh Huyền, Trường Tiểu học Mỹ Thành (Mỹ Lộc); “Máy lọc nước từ vật liệu tái chế” của nhóm tác giả Trịnh Ngọc Bích, Phạm Khánh Linh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định); “Mô hình hoạt động thở và cơ quan hô hấp” làm mô hình trực quan phục vụ việc học tập của em Bùi Thanh Mai, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).
Những giải pháp kể trên của các em học sinh lứa tuổi thanh, thiếu niên đều đã được trao giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở GD và ĐT, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Để tiếp tục nâng bước cho những ý tưởng tái chế phế liệu thành sản phẩm hữu ích, bên cạnh niềm đam mê khoa học, sự nỗ lực học hỏi tìm tòi của các em thì các thầy cô giáo, nhà trường và các ngành chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là hỗ trợ trong việc thương mại hóa ý tưởng để tạo thêm động lực kích thích niềm say mê tìm tòi học hỏi, tư duy độc lập, sáng tạo từ nhỏ của học sinh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương