Huyện Hải Hậu hiện có trên 74.500 trẻ em, chiếm 25,4% dân số trong đó, có trên 26 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi. Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng (PCSDD) trẻ em được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, công tác PCSDD trẻ em trong huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (tính cân nặng trên tuổi) đã giảm từ 13,83% (năm 2013) xuống còn 12% năm 2018.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hải Hà tư vấn PCSDD cho bà mẹ nuôi con nhỏ. |
Đạt được kết quả trên, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông PCSDD định kỳ hằng quý hoặc 6 tháng 1 lần, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tổ chức khám thai, quản lý chăm sóc thai sản. Hằng năm có 95-98% phụ nữ mang thai trên địa bàn huyện được tư vấn về dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng. Các hoạt động PCSDD trẻ em được duy trì thường xuyên. Công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi dinh dưỡng, thay đổi nhận thức cho người dân trên địa bàn. Nội dung truyền thông được tiến hành theo các chủ đề tại cộng đồng với những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng như: theo dõi tăng trưởng, kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng… Công tác tuyên truyền PCSDD trẻ em được đẩy mạnh thông qua các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ, trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động thực hành dinh dưỡng được triển khai tại các xã, thị trấn với mục tiêu hướng dẫn người mẹ và những người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc trẻ có những kiến thức cơ bản nhất về dinh dưỡng để chăm sóc trẻ. Các buổi thực hành được tiến hành tại trạm y tế các xã, thị trấn, nội dung sát với điều kiện thực tế của từng khu vực dân cư và lồng ghép với giáo dục truyền thông cộng đồng. Mỗi năm, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn 5 lớp về dinh dưỡng cho hàng trăm giáo viên mầm non, cộng tác viên dinh dưỡng và những người có liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ. Sau các lớp tập huấn, học viên đã vận dụng vào bếp ăn của các trường nhằm đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, đảm bảo ATTP cho trẻ.
Với việc thực hiện toàn diện nội dung các hoạt động của công tác PCSDD, đã nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ; bồi dưỡng kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho giáo viên các trường học tổ chức bán trú trên địa bàn. Hằng năm trên 95% phụ nữ có thai trên địa bàn huyện được tiêm phòng uốn ván đầy đủ; trên 80% phụ nữ có thai trong suốt thai kỳ có cân nặng tăng từ 10-12kg; khoảng 85% bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng; 100% trẻ mới sinh được cân, đo trong vòng 12 giờ đầu sau sinh; trên 90% trẻ được bú sữa mẹ ngay từ 30 phút đầu sau sinh (thời gian được bú ít nhất 30 phút) và trên 30% trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú tiếp tục đến 24 tháng... Các cơ sở y tế còn khuyến khích các bà mẹ khi có thai tự mua vi chất dinh dưỡng bổ sung càng sớm càng tốt và sau khi sinh trong vòng 1 tháng bổ sung VitaminA liều cao 200 nghìn UI; tổ chức triển khai cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi uống Vitamin A vào Ngày vi chất dinh dưỡng (1-6) và ngày 1-12 hằng năm. Trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống Vitamin A đầy đủ.
Để làm tốt công tác PCSDD, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ ở các tuyến về chăm sóc trẻ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông để cung cấp kiến thức cho cộng đồng. Kiện toàn mạng lưới cơ sở, duy trì mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách, mỗi thôn xóm có 1 cộng tác viên dinh dưỡng. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng bằng nhiều hình thức, đưa kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, trẻ em đến mọi người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, duy trì hành vi tích cực, tiến bộ chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho bà mẹ. Tổ chức khám và tư vấn dinh dưỡng thường xuyên tại 100% trạm y tế xã, thị trấn. Nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai, đảm bảo 100% phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai đều đặn trong 3 thai kỳ. Duy trì và nâng cao chất lượng theo dõi, quản lý, giám sát các hoạt động ở cơ sở như cân, đo, chấm biểu đồ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào ngày 25 hằng tháng để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Phân công cán bộ phụ trách hằng tháng xuống giao ban với chuyên trách xã để nắm bắt tình hình triển khai các hoạt động PCSDD. Tăng cường xã hội hoá và huy động cộng đồng vào công tác PCSDD trẻ em./.
Bài và ảnh: Minh Thuận