Đa dạng các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

07:10, 31/10/2018

Toàn tỉnh hiện có gần 520 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,9% dân số, trong đó có 4.566 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, khuyết tật, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, bị xâm hại… Thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2013-2020, những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ. 

Lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh.
Lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật. Hằng năm, có 100% trẻ sơ sinh được đăng ký khai sinh đúng quy định. Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện, 100% trẻ em dưới 6 tuổi và có 14.789 trẻ em thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT. Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh và 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Quyền học tập của trẻ em được thực hiện tốt, tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi nhập học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 95,5%, tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%, tỷ lệ trẻ em nhập học THCS đúng độ tuổi đạt 99,97%. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng. Trẻ em được quan tâm, chăm sóc về văn hóa tinh thần với môi trường sống và môi trường giáo dục lành mạnh. Không để trẻ em phải lang thang kiếm sống, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em phải làm việc sớm, làm việc xa gia đình, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm độc hại. Phần lớn gia đình có trẻ em được công nhận là gia đình văn hóa. Hệ thống giáo dục trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS được quan tâm đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, không có bạo lực, đảm bảo tất cả mọi trẻ em đều có cơ hội được học tập và phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích. Trong Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, cả 3 cấp đều tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên học tập tốt; tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em như: cắm trại, liên hoan tiếng hát tuổi thơ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử đất nước, biển, đảo, quê hương, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ vĩ đại, truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn và của Đội TNTP Hồ Chí Minh... Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau, được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán; giảm số trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật và mở rộng thêm nhóm đối tượng trẻ em khác có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, đồng thời tăng hỗ trợ liên quan đến trợ cấp nuôi dưỡng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, qua đó giúp cho nhiều trẻ em có điều kiện hoà nhập cộng đồng.

Để giúp các em và gia đình chủ động phòng ngừa nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan; vận động xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và kịp thờỉ phát hiện, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Các ngành chức năng phối hợp triển khai chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, ma túy và các tai, tệ nạn trong nhà trường. UBND tỉnh tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” đồng thời kêu gọi vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn. Sở LĐ-TB và XH tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn; tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức tập huấn triển khai Luật Trẻ em và định hướng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tiếp theo cho các thành viên ban điều hành, tổ thư ký giúp việc Ban điều hành Chương trình bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện. Triển khai thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã: Hải Quang, Hải Hưng (Hải Hậu) và Trung Đông, Trực Đại (Trực Ninh). Sở GD và ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em cho giáo viên và học sinh; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xử lý, điều tra, bảo vệ trẻ em; đồng thời giúp các em có kiến thức, kỹ năng tự phòng ngừa, có thể tìm đến địa chỉ an toàn và được bảo vệ khi bị ngược đãi, xâm hại. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ảnh hưởng của bạo lực, xâm hại đối với sự phát triển của trẻ em, nâng cao nhận thức và ý thức của từng gia đình và cộng đồng tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Tăng cường công tác rà soát, tổng hợp, quản lý chặt chẽ số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước bạo lực, xâm hại. Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội và giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể với trẻ em nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em./. 

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com