Xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có 13 thôn xóm, 17 chi Hội Phụ nữ. Trong số 1.320 phụ nữ 18 tuổi trở lên, có 1.116 hội viên tham gia sinh hoạt Hội (đạt tỷ lệ 84,5%). Là xã thuần nông, không có ngành nghề phụ, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên lao động nữ còn thiếu việc làm lúc nông nhàn. Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Hội LHPN huyện, Đảng ủy, UBND xã, Hội Phụ nữ xã Mỹ Thành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ nhận thức, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Tháng 3-2018, Hội LHPN xã Mỹ Thành đã ra mắt mô hình điểm “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất hàng thủ công xuất khẩu” tại chi Hội Phụ nữ xóm 3. Chi hội có 110 hộ gia đình, 114 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại địa phương đều tham gia sinh hoạt hội. Đây là chi hội thuần nông, có tới 80% chị em làm nông nghiệp, còn lại làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ và lao động tại các KCN trên địa bàn Thành phố Nam Định. Trong lúc nông nhàn, một số chị em thường xuyên phải đi làm thêm ở các địa phương lân cận và Thành phố Nam Định. Để triển khai mô hình, từ tháng 7-2017, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội LHPN huyện và Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp học nghề đan cói cho 30 cán bộ, hội viên phụ nữ. Chị em tham gia học nghề được hỗ trợ nguyên vật liệu trong suốt quá trình học và hỗ trợ tiền ăn trưa. Sau khi được học nghề, Trung tâm Dạy nghề huyện đã nhận cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tạo cho chị em có thêm thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã triển khai kế hoạch thực hiện thành lập tổ phụ nữ liên kết sản xuất thủ công xuất khẩu trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu của hội viên phụ nữ ở địa phương. Qua tuyên truyền, vận động, đã có 15 thành viên tự nguyện đăng ký tham gia. Theo đó, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất thủ công xuất khẩu” nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ lao động nữ đi làm ăn xa. Tham gia tổ phụ nữ liên kết, các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật, giúp nhau trong sản xuất và liên hệ đầu ra cho sản phẩm, được vay các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ TYM, Quỹ FAO, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ những gia đình thành viên không may gặp rủi ro, hoạn nạn. Ngoài ra, các thành viên còn được tham gia sinh hoạt, học tập, trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm về mọi mặt nhằm rèn luyện phẩm chất người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Để hoạt động của tổ thực sự hiệu quả, Ban quản lý tổ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ để soạn thảo nội dung, tổ chức các buổi sinh hoạt theo chủ đề phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Hội và địa phương. Mặc dù mô hình đi vào hoạt động chưa lâu song bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em trong xã. Nghề đan cói thủ công không chỉ tận dụng được thời gian nhàn rỗi, tạo điều kiện cho chị em vừa làm, vừa chăm lo việc nhà mà còn phù hợp với sự khéo léo, tỉ mỉ và sức khỏe của người phụ nữ, nhất là những phụ nữ cao tuổi. Với sự cần cù, sáng tạo, các bà, các chị trong tổ liên kết đã làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng cao. Các sản phẩm chủ yếu là bát, đĩa, giỏ hoa, chậu trồng hoa, sọt đựng quần áo...
Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất thủ công xuất khẩu” được triển khai đã thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống hội viên của các cấp Hội Phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở địa phương./.
Lam Hồng