Tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý an toàn thực phẩm

08:09, 11/09/2018

Toàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở thực phẩm được quản lý, trong đó có 2.990 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (chiếm tỷ lệ 26,6%), 3.646 cơ sở kinh doanh thực phẩm (tỷ lệ 32,4%) và 4.610 cơ sở dịch vụ ăn uống (tỷ lệ 41%). Những năm qua, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương. Từ tỉnh đến các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đều đã kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP được cải thiện, góp phần kiểm soát hiệu quả đảm bảo ATTP trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hệ thống kiểm nghiệm cũng từng bước đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý về ATTP. Tuy nhiên, do các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh đa số là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo thời vụ, tại hộ gia đình nên công tác quản lý ATTP gặp không ít khó khăn. Số lượng bếp ăn tập thể thời gian gần đây tăng nhanh, nhiều bếp ăn có số lượng lớn người ăn, nhiều doanh nghiệp không đầu tư xây bếp ăn tập thể chọn dịch vụ cung cấp suất ăn từ bên ngoài, nên khó cho việc kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro dẫn đến ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tập thể... 

Tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Tại một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, tỉnh ta đã thực hiện phân công trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP theo quy định của Luật ATTP, Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9-4-2014 của liên Bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương; Văn bản số 175/UBND-VP7 ngày 17-8-2012 của UBND tỉnh. Theo đó ngành Y tế quản lý 6 nhóm mặt hàng và dịch vụ ăn uống; ngành NN và PTNT quản lý 19 nhóm mặt hàng; ngành Công thương quản lý 8 nhóm mặt hàng. Về phân cấp quản lý, các ngành Y tế, Công thương đã có văn bản phân cấp quản lý cơ sở thực phẩm cho các địa phương. Cả 3 ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương đã có quy chế phối hợp công tác ATTP đối với các ngành Công an, GD và ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh. Đối với tuyến tỉnh và huyện đã phân công các đơn vị thuộc các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương làm công tác quản lý ATTP. Đối với tuyến xã hiện đã thực hiện việc phân công công chức cấp xã theo dõi công tác ATTP tại 229 xã, phường, thị trấn theo Văn bản 199/UBND-VP7 ngày 20-6-2018 của UBND tỉnh. Theo đó, công chức văn hoá xã hội thực hiện nhiệm vụ theo dõi công tác ATTP từ 1-7-2018, tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn theo phân cấp, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp xã về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Việc thực hiện phân công, phân cấp, phối hợp liên ngành trong công tác quản lý ATTP đã tạo sự chuyển biến tích cực về công tác đảm bảo ATTP và nhận thức của người dân. Các ngành đã tăng cường phối hợp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Đặc biệt, công tác tuyên truyền ATTP được sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng nên được triển khai rộng khắp tới nhiều đối tượng, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần kiểm soát hiệu quả công tác ATTP tại các cơ sở. Các ngành còn phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý NĐTP, hậu kiểm sau khi xác nhận công bố chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu, kiểm định mẫu và xử lý vi phạm, các ngành đã tích cực hỗ trợ nhau về chuyên môn, kinh nghiệm, nhân lực... nên công tác điều tra, xử lý NĐTP được tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, các ngành còn phối hợp chia sẻ thông tin trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực của ngành mình để giúp công tác quản lý về ATTP được đầy đủ, khách quan. Đơn cử, Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư hàng hóa nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như nông dân, ngư dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến... Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc lưu thông các mặt hàng thực phẩm trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các ngành còn phối hợp trong công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ về công tác thanh tra, xét nghiệm nhanh, lấy mẫu, xử lý NĐTP. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh không để xảy ra NĐTP tập thể. 

Tuy nhiên, việc phân công, phân cấp, phối hợp liên ngành trong hoạt động quản lý ATTP ở cơ sở còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Thực tế do hầu hết các cơ sở sản xuất thực phẩm đều nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên môn… nên các xã, phường, thị trấn không kiểm soát được toàn bộ chất lượng thực phẩm, nhất là thực phẩm nông sản khi lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, mặc dù đã thực hiện phân cấp trong quản lý ATTP, nhưng việc triển khai ở các xã, phường, thị trấn còn lúng túng. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quản lý khoảng 43 cơ sở liên quan đến thực phẩm, hầu hết đều nhỏ lẻ, trong khi cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng nên việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, khi lưu thông ra thị trường chưa đạt kết quả như mong muốn... Để khắc phục vướng mắc trong quá trình phân cấp quản lý, các sở, ngành cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác ATTP tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP tại cơ sở; kinh phí đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn ở lĩnh vực này. Đầu tư trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm các mặt hàng thực phẩm cung cấp ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung tuyên truyền, cấp giấy chứng nhận, ký cam kết ATTP đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ; nâng cao công tác quản lý ATTP theo phân công, phân cấp trên địa bàn, quan tâm bố trí kinh phí cho công tác quản lý ATTP; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ phụ trách về ATTP./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com