Với mục tiêu giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về lựa chọn, sử dụng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tham gia tích cực đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giữ gìn VSATTP với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả...
Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Tại xã Hải Sơn (Hải Hậu), trước thực trạng thực phẩm chăn nuôi, trồng trọt bị ảnh hưởng do lạm dụng sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu, Hội Phụ nữ xã luôn mong muốn có một mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới vừa giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, vừa đảm bảo môi trường, sức khỏe người sử dụng. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội LHPN huyện, sự phối hợp của Trung tâm nghiên cứu giới, môi trường và gia đình trong phát triển, các chuyên gia đã về xã tổ chức 4 lớp tập huấn cho chị em về mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi khép kín không rác thải. Hội LHPN huyện còn tổ chức cho 40 hội viên, trong đó xã Hải Sơn có 2 chị đi tham quan mô hình nuôi giun quế tại Võ Miếu, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Qua quá trình tập huấn và tham quan mô hình thực tế, chị em được học hỏi kinh nghiệm, cách làm từ mô hình để áp dụng triển khai tại địa phương. Bước đầu, chị Đoàn Thị Gấm và chị Trần Thị Len đã tiên phong làm thí điểm mô hình. Theo đó, giun được nuôi trong môi trường sử dụng các loại rác thải hữu cơ; khi thu hoạch dùng giun làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời sử dụng các chất mùn trong thùng nuôi giun dùng để bón các loại rau, cây trồng, giúp cải tạo đất, hạn chế sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu. Để khuyến khích, động viên chị em, Hội LHPN huyện đã ưu tiên hỗ trợ cho các chị tiên phong đi đầu nuôi giun quế vay vốn với mức vay từ 10-15 triệu đồng/hộ. Năm 2015, Hội Phụ nữ huyện và Trung tâm nghiên cứu giới, môi trường và gia đình trong phát triển tiếp tục tổ chức tập huấn cho chị em về kỹ thuật nuôi giun quế, cách làm chuồng trại, cách cho giun ăn, cách thu hoạch; cách thành lập nhóm, quản lý nhóm, kỹ năng tiếp thị bán hàng. Khi có kiến thức, Hội Phụ nữ xã quyết định thành lập nhóm nuôi giun quế, ban đầu có 11 chị tham gia do chị Trần Thị Len làm trưởng nhóm. Trong năm 2015, nhóm đã 2 lần tham gia phiên chợ nông sản tại Hà Nội, giới thiệu và bán những sản phẩm từ mô hình nuôi giun quế như trứng gà, mùn giun, gạo và các loại rau, được khách hàng rất hài lòng và có phản hồi tốt. Đến cuối năm 2015 đã có 20 hội viên tham gia nhóm. Tháng 4-2016, Hội Phụ nữ xã tiếp tục thành lập 1 nhóm nuôi giun quế mới tại chi hội 5 với 15 thành viên tham gia. Từ hiệu quả của mô hình, đầu tháng 5-2016, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế trong chăn nuôi, trồng trọt góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ” tại xã Hải Sơn với 26 thành viên tham gia. Cũng trong năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Mỹ Lộc tổ chức ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” tại xã Mỹ Tân. Tham gia mô hình, Ban quản lý và các thành viên được tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăm bón, nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn; được chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Việc triển khai xây dựng mô hình có ý nghĩa thiết thực khi hiện nay vấn đề VSATTP được người dân đặc biệt quan tâm. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong việc sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; đồng thời góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong tổng thể chương trình xây dựng NTM của xã với quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch 34,68ha. Ngoài 2 mô hình trên, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực về VSATTP như: CLB sản xuất, tiêu dùng sạch (TP Nam Định), HTX Tâm Sáng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch (TP Nam Định), mô hình nông nghiệp sạch khép kín không rác thải thông qua nuôi giun quế tại 2 xã Nghĩa Minh, Hoàng Nam (Nghĩa Hưng)… Đặc biệt, năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức phát động chủ đề năm “Phụ nữ thực hiện ATTP” và Chương trình phối hợp giữa Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020". Ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN tỉnh và các Sở: Y tế, NN và PTNT tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm VSATTP. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện chỉ tiêu: mỗi huyện, thành Hội xây dựng ít nhất 1 mô hình vận động phụ nữ thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đến nay đã có 5/10 huyện, thành phố thành lập mô hình ATTP, tiêu biểu như mô hình "Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn" tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), HTX Bình Minh tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng)... Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông, hội thi về ATTP: Phối hợp với Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho 150 cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên và trên 1.000 cán bộ, hội viên phụ nữ Công an, hội viên phụ nữ cơ sở về VSATTP, phòng, chống ung thư; các quy định pháp luật về VSATTP. Hội LHPN huyện Hải Hậu tổ chức hội chợ vì một nền nông nghiệp bền vững. Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nông nghiệp khép kín thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nghèo huyện Nghĩa Hưng". Hội LHPN Thành phố Nam Định tổ chức hội thi "Tuyên truyền thực hiện ATTP" cho cán bộ, tuyên truyền viên, hội viên làm kinh doanh thực phẩm...
Các mô hình hoạt động về ATTP đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh nâng cao kiến thức đảm bảo VSATTP trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Bài và ảnh: Lam Hồng