Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, 292 trường tiểu học, 237 trường THCS, 57 trường THPT. Công tác y tế trường học của tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm nên các hoạt động đã đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của hai ngành Y tế, GD và ĐT. Hầu hết các trường học đều đã thành lập được Ban chăm sóc sức khỏe học sinh; có sổ sách, hồ sơ về tình trạng sức khoẻ học sinh; bố trí phòng y tế và trang thiết bị theo quy định cho phòng y tế học đường.
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non Nam Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Thực hiện các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ GD và ĐT về công tác y tế trường học, các huyện, thành phố trong tỉnh đã bố trí cán bộ định biên thực hiện công tác y tế nhà trường. Trong năm học 2017-2018, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác y tế trường học cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách y tế trường học của trung tâm y tế, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh in ấn hàng nghìn ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, áp phích, băng đĩa, tài liệu hướng dẫn về y tế trường học cấp phát cho các đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn về y tế trường học cho cán bộ làm công tác y tế trường học của trạm y tế xã và các trường. Hiện tại hầu hết các nhà trường đều có phòng y tế, có nhân viên y tế trường học với đủ điều kiện chăm sóc sức khoẻ học sinh, có sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khoẻ học sinh và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, ATTP theo quy định. Toàn tỉnh có 416.180/416.180 học sinh có sổ theo dõi sức khỏe và được thông báo về tình trạng sức khoẻ cho gia đình. Có 738 trường biên soạn tài liệu, nội dung truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương, 706 trường có góc truyền thông giáo dục sức khỏe. Định kỳ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Sở GD và ĐT tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát điều kiện vệ sinh, kết hợp kiểm tra răng miệng và mắt cho học sinh các trường học. Kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng vệ sinh chung của các trường sạch sẽ, khuôn viên đẹp. Diện tích trung bình/học sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Các trường đều có đầy đủ phòng học và các phòng chức năng cho học sinh. Đa số các phòng học đều được xây dựng 2 hoặc 3 tầng. Toàn tỉnh có 609 trường tổ chức ăn bán trú/nội trú, trong đó 573 trường đã xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt, năm học 2017-2018, 61 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có tổ chức ăn bán trú đã được Sở GD và ĐT chọn thực hiện Dự án Bữa ăn học đường với sự phối hợp từ các cơ quan chuyên môn đầu ngành như Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) để chuẩn bị những bữa ăn học đường hợp lý, đa dạng và ngon miệng thông qua áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Ứng dụng phần mềm này, các trường đã linh động tự tạo ra các thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương, tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh hiệu quả. Bên cạnh phần mềm, bộ áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” cũng được triển khai đồng loạt đến các trường tiểu học bán trú. Với những thông tin dinh dưỡng được minh họa sinh động bằng hình ảnh, đây là công cụ giúp các em học sinh nhận biết giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và ăn đa dạng các loại thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác y tế trường học tại các trường còn hạn chế. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác y tế trường học còn hạn hẹp, các hoạt động y tế tại các trường học chủ yếu được lấy từ quỹ BHYT học sinh. Tại tuyến cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động y tế trường học còn thiếu hoặc hư hỏng, chưa có kinh phí để mua mới hoặc sửa chữa...
Năm học 2018-2019, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh về công tác y tế trường học, Sở GD và ĐT và Sở Y tế phối hợp tăng cường hiệu quả hoạt động y tế trường học. Trong đó triển khai thực hiện các quy định và mẫu sổ theo dõi sức khỏe học sinh. Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7); Ngày Nước thế giới (22-3); Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường; Ngày toàn dân hiến máu nhân đạo (7-4); Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5); Ngày Môi trường thế giới (5-6); Ngày Vệ sinh yêu nước (2-7); Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12); Tháng hành động vì trẻ em (từ 1 đến 30-6); Tuần lễ tiêm chủng (từ 9 đến 15-5); Tháng hành động vì ATTP (15-4 đến 15-5); truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; giáo dục dân số, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, phòng, chống HIV/AIDS và các sự kiện khác liên quan đến công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe HSSV. Ngành GD và ĐT phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch, bệnh, tật trong trường học (cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm gia cầm lây sang người, tay - chân - miệng, sởi, Rubella, sốt xuất huyết, lao, hội chứng viêm đường hô hấp cấp, vi-rút Zika, sốt rét, giun sán...) và các dịch bệnh mới xuất hiện, kiểm soát, thu gom và xử lý các hóa chất độc hại nguy hiểm trong các nhà trường; đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học. Tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP, tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm vệ sinh sạch sẽ các công trình vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và giám sát chặt chẽ các hoạt động của công tác nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2020, chú trọng việc xây dựng, sử dụng và bảo quản các công trình cấp nước và công trình vệ sinh trong trường học. Các cơ sở giáo dục có kế hoạch kiểm tra định kỳ sức khỏe của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HSSV. Mỗi cơ sở giáo dục đều có phòng y tế với các dụng cụ, trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HSSV; có sổ theo dõi sức khỏe và theo dõi việc cấp phát thuốc... Ngành GD và ĐT và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH cùng cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cha mẹ HSSV và vận động HSSV tham gia BHYT, phấn đấu đến cuối năm 2019, đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT./.
Bài và ảnh: Minh Thuận