Nhằm khắc phục các hạn chế của phương pháp xử lý rác sinh hoạt theo hướng chôn lấp (chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng đất, diện tích sử dụng lớn, chi phí đầu tư cao), tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi sang công nghệ lò đốt rác. Ngày 26-9-2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 đối với công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung theo công nghệ lò đốt, tối đa là 80% tổng mức đầu tư nhưng không quá 1 tỷ đồng/xã.
Vận hành lò đốt rác thải tại xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng). |
Nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, nhiều xã, thị trấn đã tập trung đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt, tuy nhiên đa số các lò đốt rác trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT do Bộ TN và MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Trong số đó, có 68 lò đốt rác thải sinh hoạt thế hệ đầu, do Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) sản xuất. Theo kết quả khảo sát thực tế của ngành TN và MT cho thấy, các chỉ tiêu lò đốt rác chưa đạt chuẩn: kích thước lò nhỏ, chiều cao ống khói, kết cấu và nhiệt độ của buồng đốt đều sai, không thiết kế áp suất âm, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi. Do vậy các lò này xử lý rác không triệt để và gây ô nhiễm thứ cấp, tồn dư kim loại nặng trong tro thải, phát sinh các chất dioxin, furan... Riêng kết quả quan trắc số lò đốt rác chưa đạt chuẩn của Cty TNHH Tân Thiên Phú có 2/8 thông số (CO2, SO2) vượt quy chuẩn quốc gia (QCVN 61). Bên cạnh bất cập của hệ thống thiết bị, trong quá trình hoạt động các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lò đốt rác cũng chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn, không phân loại rác, đưa cả rác còn quá ẩm vào đốt nên lượng khói thải nhiều, có những thông số kỹ thuật vượt mức quy định. Nếu gặp ngày thời tiết quẩn gió khói đốt rác bị nén xuống thấp như sương mù mịt khắp khu vực dân cư, cánh đồng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Tại huyện Ý Yên, có 12 xã đã xây dựng lò đốt rác thải nhưng mới có 5 lò hoạt động hiệu quả. Tại huyện Xuân Trường, một số xã đầu tư lò đốt rác công suất thấp, nhiều bộ phận hỏng nhưng không kịp thời nâng cấp, sửa chữa để tình trạng rác thải ứ đọng; có xã đầu tư lò đốt rác nhưng lại đốt rác ngoài trời gây nhiều bức xúc cho bà con nhân dân. Việc gây ô nhiễm môi trường khi vận hành các lò đốt rác là một trong những nguyên nhân khiến người dân các vùng bị ảnh hưởng ở các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng... rất bức xúc, nhiều lần tổ chức khiếu nại đông người.
Trước thực trạng kể trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương phải có lộ trình để giải quyết tận gốc bất cập. Trong đó các ngành chức năng liên quan, các địa phương phải tăng cường công tác quản lý và giám sát việc vận hành lò đốt rác, chú trọng giám sát việc phân loại rác thải trước khi đốt, đồng thời từng bước tìm hướng cải thiện công nghệ, giảm thiểu phát thải chất độc hại ra môi trường. Trong khi chưa đủ điều kiện để nâng cấp, thay mới các lò đốt rác, các địa phương cần khẩn trương trồng cây xanh tạo vành đai có chiều rộng khoảng 5-10m quanh khu xử lý rác nhằm giảm thiểu tối đa bụi rác bay và phát tán mùi ra môi trường. Các địa phương phải cấp thiết nâng cao năng lực nhân sự quản lý, xử lý rác thải và tổ chức lại mô hình quản lý rác thải cấp xã, bảo đảm lực lượng này nắm vững những kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế và quản lý chất thải một cách bền vững. Yêu cầu lực lượng vận hành lò đốt phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật: phân loại rác thải trước khi đưa vào lò đốt, không đốt rác khi độ ẩm quá cao; không cho rác quá nhiều vào cửa lò; phải duy trì nhiệt độ cao trong buồng đốt thứ cấp; kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy bằng việc đóng mở đều các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên trên thân lò. Về lâu dài, UBND xã cần tổ chức lại mô hình quản lý, xử lý chất thải nông thôn cho phù hợp, có thể tổ chức đấu thầu công khai thu hút các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu công việc, nhằm thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác xử lý rác thải nói riêng và BVMT nói chung. Các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo và tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn; quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn theo đúng các quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh phải tiến hành xử lý. Bên cạnh đó, các địa phương phải khẩn trương rà soát thực trạng hoạt động của các lò đốt rác thải sinh hoạt đã đầu tư trên địa bàn, từ đó có lộ trình cụ thể tiến hành cải tạo, nâng cấp các lò đốt cũ đạt quy chuẩn quốc gia về lò đốt rác thải sinh hoạt. Riêng các địa phương đầu tư lắp đặt nhóm lò đốt rác LOSIHO thế hệ đầu do Cty TNHH Tân Thiên Phú sản xuất, Sở TN và MT đã yêu cầu Cty tiến hành cải tạo hệ thống xử lý khí thải lò đốt để tăng hiệu quả xử lý. Do đó, Cty đang nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý khí thải lò đốt, đảm bảo đạt các quy chuẩn môi trường cho phép. Trong thời gian tới, Cty sẽ áp dụng công nghệ xử lý khí thải này vào cải tạo các lò đốt rác thải thế hệ đầu. Dự kiến kinh phí cải tạo hệ thống xử lý khí thải khoảng 200 triệu đồng/hệ thống. Như vậy, các xã, thị trấn có nhu cầu cải tạo lò đốt rác đã lắp đặt cần phải quan trắc đánh giá các thông số của lò đốt rác tại địa phương so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để lập kế hoạch hoặc phương án cải tạo cụ thể gửi UBND huyện đề xuất phương án giải quyết.
Khi đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt mới, các địa phương phải bám sát quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT để sàng lọc thẩm định các dự án đầu tư. Các ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý rác thải tập trung ở các địa phương đảm bảo vận hành đúng quy định và hiệu quả, duy trì đánh giá tác động môi trường định kỳ đối với các lò đốt rác đang hoạt động./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy