Với truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)”, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện Hải Hậu đã có nhiều hoạt động thiết thực, quan tâm chăm lo tới hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực giúp họ vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Có dịp cùng với các đồng chí trong Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện đến thăm gia đình ông Phạm Văn Tiên ở xóm Lê Lợi, xã Hải Lý, một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi mới hiểu hơn những nỗi đau, khó khăn vất vả của các nạn nhân CĐDC. Bản thân ông Tiên bị nhiễm CĐDC nên suy giảm khả năng lao động. Ông sinh được 5 người con thì 4 người con bị di chứng chất độc hóa học với các biểu hiện bại não, không thể tự chăm sóc bản thân. Hiện, 2 người con đã mất, 2 người còn lại mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ bố mẹ giúp đỡ. Thu nhập của gia đình hiện tại chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin của 3 bố con với số tiền gần 4 triệu đồng/tháng. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi gia đình ông. Hằng năm, vào những ngày lễ, tết, Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10-8), Huyện Hội tổ chức trao tặng quà và tiền mặt nhằm động viên tinh thần giúp gia đình ông vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hay trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh, xã Hải Hưng là nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh ở chiến trường Đông Nam Bộ. Đến năm 1976, ông được phục viên về quê hương và phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại bản thân ông bị liệt không thể đi lại được, 2 người con bị ảnh hưởng da cam gián tiếp, vợ thường xuyên ốm đau không thể lao động nặng, thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào khoản trợ cấp của Nhà nước đối với nạn nhân da cam. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện đã tham mưu cho UBND huyện trích quỹ Bảo trợ da cam của huyện trao tặng quà và số tiền 10 triệu đồng để hỗ trợ gia đình sửa chữa ngôi nhà, giúp gia đình có chỗ an toàn mỗi khi mùa mưa bão về.
Đó là 2 trong số nhiều gia đình được Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện Hải Hậu cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm, thăm hỏi trong thời gian qua. Để chia sẻ với những khó khăn mất mát mà những nạn nhân da cam đang phải gánh chịu, thời gian qua, các cấp Hội trong huyện đã tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ giúp đỡ nạn nhân da cam. Hội đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ, khảo sát, nắm chắc danh sách gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, xét tặng quà, hỗ trợ nạn nhân bảo đảm khách quan, công bằng, đúng đối tượng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện phối hợp với Phòng khám Đa khoa Việt Mỹ (TP Nam Định) khám bệnh miễn phí cho 372 đối tượng, trị giá 342 triệu đồng; UBND, Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ huyện trích quỹ của đơn vị trao tặng quà tết cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trị giá 40 triệu đồng; UBND các xã, thị trấn hỗ trợ Hội trong công tác chăm sóc nạn nhân và khám bệnh với số tiền 25 triệu đồng. Ngoài ra, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân trợ cấp học bổng cho cháu Vũ Nhật Phương, xã Hải Trung và cháu Nguyễn Lê Khanh, xã Hải Hưng là con, cháu nạn nhân da cam đạt thành tích cao trong học tập với số tiền 6,6 triệu đồng; Cty CP BERYAYA Gia Thịnh tặng 20 suất quà cho 20 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trị giá 10 triệu đồng; thăm, tặng quà tết, trợ cấp khó khăn cho 1.385 lượt người trị giá 170,4 triệu đồng; ông Vũ Thanh Bình, xã Hải Thanh tặng 20 suất quà trị giá 6 triệu đồng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10-8), Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện đã tổ chức trao tặng 105 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 127 triệu đồng... Nhiều tập thể đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn, tiêu biểu như các xã: Hải Lý, Hải Phúc, Hải Bắc, Hải Minh, Thị trấn Thịnh Long... Bên cạnh đó, thông qua hệ thống các tổ chức Hội cơ sở, công tác chăm lo cho nạn nhân CĐDC ngày càng được quan tâm hơn. Huyện Hội đã kết hợp chặt chẽ với các Hội cơ sở kịp thời nắm bắt tình hình đời sống của nạn nhân, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, tham mưu với cấp trên và phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động cộng đồng xã hội chung tay chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam, hoàn thiện các chính sách cho nạn nhân da cam. Được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều nạn nhân đã vươn lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước. Tiêu biểu như anh Nguyễn Trí Dũng ở Thị trấn Yên Định là nạn nhân gián tiếp thuộc thế hệ thứ 2 đã tích cực tham gia trồng cây cảnh mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm... Ngoài ra, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện còn thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp cho nạn nhân, Hội đã lập danh sách đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà chưa được hưởng các chế độ. Đồng chí Mai Quang Vang, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin huyện cho biết: Hiện, toàn huyện có 1.023 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc đang được hưởng chế độ, 368 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc đang được hưởng chế độ, 19 cháu là thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độ. Ngoài ra còn nhiều hội viên là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, thời gian tới Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải quyết hậu quả da cam, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân, giúp họ xóa đi mặc cảm, khắc phục khó khăn, xóa đi những mặc cảm vươn lên hòa nhập với cộng đồng./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh