Tỉnh ta có hơn 250km đường sông với nhiều tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ. Hệ thống tàu, thuyền chuyên chở hàng hóa; các loại đò, phà chở khách ngang sông đang không ngừng phát triển, trong đó phương tiện vận tải nội địa lớn nhất có công suất tới 1.200 tấn. Thực hiện chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến đường thủy, nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã tích cực phối hợp với các sở, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương triển khai hàng loạt giải pháp hiệu quả; trong đó hai lĩnh vực bảo đảm tốt trách nhiệm của người thi hành công vụ và không ngừng nâng cao nhận thức văn hóa của người tham gia giao thông luôn được tập trung đẩy mạnh.
Đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; trọng tâm là hướng dẫn hành khách đi trên phương tiện thủy tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, tạo thói quen khi tham gia giao thông; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; “Người đi đò mặc áo phao”; phòng ngừa tai nạn; đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, đốt pháo các loại... Hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến sông được lồng ghép với công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Khoáng sản và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc hợp pháp, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Trên địa bàn tỉnh đang có một số công trình thi công trên các tuyến sông lớn như cầu Thịnh Long, phà Đống Cao nên công tác tuyên truyền, vận động hướng đến bảo đảm an toàn không chỉ với hành khách, chủ phương tiện vận tải mà còn đối với đội ngũ công nhân xây dựng. Thông qua các hình thức tuyên truyền, trong những tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát trên 200 tài liệu cảnh báo về tai nạn giao thông; trực tiếp tuyên truyền, vận động gần 900 lượt người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Với những biện pháp tuyên truyền sáng tạo, bài bản, khoa học nên ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy của nhân dân được nâng lên rõ rệt, hoạt động của các bến cảng, đò ngang từng bước đi vào nền nếp.
Cùng với các biện pháp tuyên truyền, Phòng Cảnh sát đường thủy và công an các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra, kiểm soát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện, xử lý 1.151 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền gần 800 triệu đồng. Các lỗi vi phạm phải xử lý nhiều bao gồm số đăng ký gắn trên phương tiện bị che khuất, không bố trí đủ định biên thuyền viên, phương tiện chưa đăng ký, chở quá vạch mớn nước an toàn, không trang bị dụng cụ phòng cháy chữa cháy, không có bằng máy trưởng, thuyền trưởng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực... Trước mùa mưa bão 2018, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra tất cả 101 bến đò phà chở khách ngang sông; xử lý hành chính 39 trường hợp vi phạm. Từ đó, Phòng Cảnh sát đường thủy đã áp dụng chế tài mạnh yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định về an toàn đò ngang nhằm bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Bước vào mùa bão lũ, đơn vị đã tăng cường công tác mật phục, tập trung lực lượng tổ chức bắt giữ, xử lý vi phạm 4 phương tiện vận tải thủy trọng tải từ 200 đến 800 tấn khai thác cát trái phép trên sông Đào; đề xuất Giám đốc Công an tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với 1 doanh nghiệp, 2 phương tiện vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát trái phép. Đối với công tác phòng chống tội phạm, Phòng Cảnh sát đường thủy thường xuyên mở rộng hoạt động trinh sát, nắm chắc tình hình tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp bắt giữ 6 vụ việc liên quan đến cờ bạc tại huyện Mỹ Lộc; tàng trữ trái phép pháo nổ trên địa bàn Thành phố Nam Định; mua bán trái phép hê-rô-in ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh. Tất cả các vụ việc đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Phạm Văn Nghiêm, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết: Thời gian còn lại của năm 2018, đơn vị tiếp tục thực hiện toàn diện các lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội và TTATGT trên các tuyến đường thủy; tham mưu Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông; tích cực triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; các Nghị quyết số 13/NQ-CP, Nghị quyết 32/NQ-CP, Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh về công tác bảo đảm an ninh trật tự năm 2018. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy; kiên quyết xử lý các hành vi chở quá tải, quá số người quy định, vi phạm trong đăng ký, đăng kiểm. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; xây dựng mô hình “Bến đò văn hóa, an toàn” thuộc tuyến sông Ninh Cơ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các khu vực thi công công trình trên các tuyến sông. Duy trì cường độ tuần tra kiểm soát gắn với đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên tuyến đường thủy, các địa bàn trọng điểm, khu vực giáp ranh; ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển để thực hiện vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến đường thủy nội địa, khu vực ven biển. Bên cạnh đó, toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; hưởng ứng các phong trào thi đua do Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh phát động nhằm xây dựng tập thể đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân./.
Xuân Thu