Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin

08:09, 19/09/2018

Nhân dịp Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023, phóng viên Báo Nam Định đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Ngọc Kiểm, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh về hoạt động công tác Hội, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn trong nhiệm kỳ qua.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh trao trợ cấp cho cháu Trần Thị Hòa là con nạn nhân CĐDC Trần Văn Luận ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh trao trợ cấp cho cháu Trần Thị Hòa là con nạn nhân CĐDC Trần Văn Luận ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm kỳ qua, các hoạt động chăm lo cho nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện như thế nào?

Đồng chí Phạm Ngọc Kiểm: Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh là tổ chức Hội đặc thù đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Đến nay, tổ chức Hội đã có ở cả 3 cấp với tổng số hội viên toàn tỉnh 11.214 người. Thực hiện mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có cuộc sống ngày càng tốt hơn, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin trong tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc nạn nhân, gia đình nạn nhân nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 13.651 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC và con, cháu họ đang hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; trong đó có 10.463 nạn nhân trực tiếp và 3.188 nạn nhân gián tiếp. Theo điều tra ban đầu, đã có 175 cháu thuộc thế hệ thứ 3 bị di nhiễm, 100% nạn nhân trực tiếp trên 70 tuổi, sức khỏe yếu do bị nhiễm chất độc hóa học. Nạn nhân gián tiếp hầu hết bị thiểu năng trí tuệ, tâm thần phân liệt, dị dạng, dị tật, nhiều cháu không được học hành đến nơi đến chốn, nghề nghiệp không có, sống phụ thuộc vào gia đình. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 9.815 gia đình có 1 nạn nhân, 1.522 gia đình có 2 nạn nhân, 187 gia đình có 3 nạn nhân, 19 gia đình có 4 nạn nhân trở lên. Về hoàn cảnh gia đình nạn nhân, có 953 gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo, 6.685 gia đình kinh tế trung bình. Có 264 gia đình có nhà ở dột nát cần xây dựng mới hoặc sửa chữa, 1.167 nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, 631 người dị dạng dị tật, 731 người không tự phục vụ được. Trước thực trạng đó, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu, cảm thông và có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân khắc phục khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin”, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, đã tích cực vận động nguồn lực theo hình thức xã hội hóa từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng tiền, hiện vật với tổng số tiền trị giá 22,949 tỷ đồng. Từ kết quả vận động, Hội đã tổ chức gặp mặt, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, tuyên dương cán bộ hội và hội viên tiêu biểu; trực tiếp cùng các tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ đi thăm, tặng quà cho 71.600 lượt nạn nhân trong dịp Ngày “Vì nạn nhân CĐDC” (10-8), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và nhân dịp các ngày lễ, tết. Hội còn hỗ trợ làm mới và nâng cấp 80 ngôi nhà dột nát, trao tặng phương tiện đi lại, học tập như xe đạp, xe lăn, xe lắc, máy vi tính cho 498 đối tượng, cấp học bổng cho 240 cháu vượt khó vươn lên học giỏi, trợ cấp khó khăn cho 2.186 đối tượng; tặng áo ấm, chăn ấm cho 228 đối tượng; tặng ấm điện, nồi cơm điện, quạt điện cho 1.000 đối tượng, hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi cho 90 hộ; tặng đồ dùng học sinh cho 500 cháu. Phối hợp với Cty Cám Con Cò tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 1.500 hộ gia đình... Hằng năm, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin trong tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức vận động, quản lý sử dụng Quỹ “Bảo trợ nạn nhân CĐDC” đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Vụ Bản, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Ý Yên và Thành phố Nam Định. Ngoài ra, Hội đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức nhiều đợt khám sức khỏe định kỳ, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 11.829 lượt nạn nhân với tổng số tiền 10,826 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với Bệnh viện Quân y 103 (Bộ Quốc phòng) tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng quà 7 đợt cho 3.500 lượt nạn nhân tại các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng và Nam Trực; phối hợp với Phòng khám Đa khoa Bệnh viện Việt Mỹ (TP Nam Định) tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho 5.800 lượt nạn nhân; Phòng khám Đa khoa Hoành Sơn (Giao Thủy) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 2.529 lượt nạn nhân… 

PV: Thưa đồng chí, bên cạnh hoạt động chăm lo cho nạn nhân, Hội còn tham gia các phong trào thi đua yêu nước nào và phương hướng hoạt động của các cấp Hội trong thời gian tới?

Đồng chí Phạm Ngọc Kiểm: Nhiệm kỳ qua, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để hoạt động, coi nhiệm vụ chính trị của địa phương là nhiệm vụ quan trọng của Hội để xây dựng kế hoạch hoạt động gắn liền với công tác xây dựng tổ chức Hội. Hội đã tập hợp đoàn kết, động viên hội viên cùng gia đình tích cực tham gia các phong trào địa phương như phong trào “Xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”, thực hiện hương ước của thôn, xóm. Đã có 3.404 hội viên tham gia hoạt động xã hội ở địa phương như tham gia cấp ủy, tổ dân phố, trưởng, phó thôn xóm, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi… được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Trong phong trào xây dựng NTM trong những năm qua đã có 2.749 hội viên hiến 68.341m2 đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng, đóng góp hàng nghìn ngày công và vật tư trị giá 4,1 tỷ đồng, góp phần tích cực vào xây dựng quê hương. Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nạn nhân CĐDC trong tỉnh đã không cam chịu số phận, phấn đấu nỗ lực vượt qua nỗi đau của bệnh tật, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo. Những tấm gương điển hình tiên tiến vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như: ông Đinh Văn Quang, xã Trực Chính (Trực Ninh); ông Ngô Xuân Minh, ông Nguyễn Lương Thông, xã Yên Tiến (Ý Yên)…

Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC”, thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin tỉnh tiếp tục quan tâm củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra. Giữ vững và tăng cường vai trò, uy tín và vị thế của Hội, đoàn kết, động viên nạn nhân và hội viên tham gia tích cực các hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào xây dựng quê hương giàu mạnh. Luôn đặt mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nạn nhân CĐDC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Hội. Tích cực vận động cộng đồng xã hội cùng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” và động viên nạn nhân khắc phục khó khăn vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Huỳnh (thực hiện)

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com