Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

08:09, 10/09/2018

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chính diện 72km bờ biển với diện tích vùng biển rộng hơn 2.480km2, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển và nhiều bến neo đậu tàu thuyền. Khu vực ven biển có 1.024 lều chòi, 2.127 phương tiện nghề cá của ngư dân các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; trong đó gần 60% phương tiện có công suất nhỏ dưới 20CV. Địa bàn biên giới biển có 20 xã, thị trấn với dân số 54.366 hộ, 191.844 khẩu. Nhân dân chủ yếu làm nghề trồng lúa, sản xuất muối và nuôi trồng thủy hải sản với 11.700 người tham gia khai thác hải sản.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 (BĐBP tỉnh) tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn vùng biển trong mùa mưa bão.
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 (BĐBP tỉnh) tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn vùng biển trong mùa mưa bão.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ở nước ta nói chung, địa bàn tỉnh nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Từ đầu năm đến nay đã có 4 cơn bão hoạt động trên Biển Đông; trong đó cơn bão số 1 và số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh gây mưa to, gió lớn làm thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trên biển, tình hình tai nạn, va chạm phương tiện diễn ra nhiều. Trong 8 tháng đầu năm đã xảy ra 18 vụ tai nạn trên biển làm đắm 4 tàu, chết 2 người, mất tích 1 người và 14 vụ va chạm trên biển làm hỏng 16 phương tiện, chìm 2 tàu, 3 mủng; tổng thiệt hại tài sản khoảng 3 tỷ đồng. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bước vào mùa mưa bão, BĐBP tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành và chính quyền 3 huyện ven biển tổ chức tuyên truyền được 46 đợt thu hút 1.520 lượt ngư dân, chủ phương tiện tham gia nắm bắt các nội dung liên quan đến Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Phòng chống thiên tai; Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ; Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc; Nghị định số 71 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; Nghị định 104 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; các quy định về bảo đảm an toàn khi tham gia trên sông, biển... Các Đồn Biên phòng đã cấp phát hàng nghìn áo phao, tờ rơi tuyên truyền về phòng chống thiên tai, thảm họa, sổ nhật ký khai thác hải sản, tờ bản đồ ranh giới biển, bản đồ theo dõi bão, sổ tay hướng dẫn các quy định trên biển. BĐBP tỉnh đã phối hợp với 3 huyện ven biển tổ chức tuần tra, kiểm soát hệ thống đê, kè, cống ở những nơi xung yếu; nắm chắc số lượng người, tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ, các Đồn Biên phòng và Hải đội 2 sử dụng xuồng máy kết hợp với trưng dụng phương tiện của nhân dân để ra quân tuyên truyền, vận động, kêu gọi, cưỡng chế các phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn. Các Đồn Biên phòng cử các tổ tuần tra phối hợp với lực lượng của địa phương đến từng hộ dân ở khu vực ngoài đê, các lều chòi coi đầm bãi vận động sơ tán tài sản, nhân lực vào đất liền. Kết quả, trong 2 cơn bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh năm nay, BĐBP đã vận động được 3.150 lượt người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi; di dời 150 hộ, 618 khẩu ở khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn. Các tổ kiểm soát cố định ở các cửa sông, các tổ kiểm soát lưu động ở bãi ngang, bến bãi neo đậu tàu thuyền làm tốt công tác tuyên truyền không cho tàu thuyền ra khơi khi có lệnh cấm của UBND tỉnh. Qua đó, đã tổ chức sắp xếp neo đậu tại bến cho 4.210 lượt phương tiện, 18.130 lượt người. Các lực lượng phối hợp tổ chức tốt công tác nắm tình hình qua ngư dân, qua tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ, qua đài canh thông tin sóng ngắn tại các Trạm Kiểm soát Biên phòng để theo dõi, nắm bắt hoạt động của tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền, tình hình tai nạn trên biển và khi có tình huống tìm kiếm cứu nạn xảy ra.  

Trong tổ chức lực lượng, BĐBP tỉnh đã bố trí hàng trăm nhân lực tham gia các ban, tiểu ban phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phương tiện thường trực tham gia phòng chống thiên tai bao gồm 18 xe ô tô, 4 tàu, 17 ca nô, xuồng máy, hàng chục máy thông tin sóng ngắn, sóng dài kết nối thông suốt giữa đất liền với các phương tiện trên biển. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các Đồn Biên phòng đã hợp đồng với 30 tàu thuyền của ngư dân để sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có bất trắc xảy ra. Trong mùa bão lũ, BĐBP thường xuyên bố trí lực lượng cùng 3 tàu thường trực tại cửa sông Ninh Cơ; 3 xuồng cứu hộ tại Hải đội 2 cùng một số vị trí trọng yếu khác. Tại các Đồn Biên phòng luôn sẵn sàng có 14 xuồng máy, 800 áo phao, 300 phao tròn cứu sinh, 30 phao bè, 15 máy nổ cùng lương thực, thực phẩm phục vụ trên 500 người sử dụng an toàn trong 7 ngày liên tục. Các địa điểm bắn pháo hiệu đang được lực lượng Biên phòng sử dụng hiệu quả trong những năm gần đây đó là tại Trạm kiểm soát Cồn Lu (Giao Thủy), Trạm kiểm soát Doanh Châu (Hải Hậu), Hải đội 2, Trạm kiểm soát Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng).

Đối với công tác hiệp đồng với các lực lượng có liên quan, BĐBP tỉnh đã kết hợp tốt với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I; Vùng I Hải quân; Vùng Cảnh sát biển I; Hải đoàn 38; Cảng vụ Hàng hải Nam Định; lực lượng Cảnh sát đường thủy; Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng theo dõi và sử dụng thông tin liên lạc, tổ chức cứu nạn 12 vụ, 12 phương tiện, 74 ngư dân các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và thuộc các tỉnh Nghệ An, Kiên Giang bị hỏng máy trôi dạt trên biển, đưa người và phương tiện vào bờ an toàn. Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Cảng vụ Hàng hải Nam Định tiếp nhận 2 tàu, 12 thuyền viên của tỉnh bị nạn đã được tàu SAS 411, SAS 412 lai dắt vào Cảng Ninh Cơ và Cảng Đà Nẵng, bàn giao cho địa phương, gia đình.

Như vậy có thể thấy, nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của BĐBP đang được thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ giảm thiểu rủi ro về người, tài sản; đồng thời hỗ trợ nhân dân các địa phương ven biển phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com