Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng đến công tác ATVSLĐ, cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là người lao động không theo hợp đồng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Sản xuất cơ khí tại làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Ước tính toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn lao động không theo hợp đồng lao động, trong đó tập trung ở các làng nghề thuộc các lĩnh vực: cơ khí, thủ công mỹ nghệ, tái chế phế liệu, dệt nhuộm, ươm tơ, chế biến lương thực, thực phẩm và các nhóm ngành nghề khác… Những năm qua, các làng nghề trong tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề hiện cũng đang phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, độc hại như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ và ô nhiễm môi trường. Ở làng nghề cơ khí Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), sản xuất phát triển đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận. Các hộ làm nghề tổ chức sản xuất ngay tại nhà ở, hoặc cơ sở sản xuất xen lẫn trong các khu dân cư nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, nơi làm việc tạm bợ, thiếu ánh sáng, nguyên liệu sản xuất và sản phẩm để bừa bãi. Các phương tiện đảm bảo môi trường lao động như hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hút khí độc còn thiếu, không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải… Nhiều người lao động đã mắc bệnh nghề nghiệp liên quan đến phổi, da, mắt… song vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Ở làng nghề đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên), do đặc thù của nghề đúc kim loại, nên tiếng ồn, lượng khí thải và bụi từ hoạt động đúc kim loại, gia công cơ khí… xả ra rất lớn. Tuy nhiên đa phần lao động ở làng nghề, từ chủ cho đến người làm thuê đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất như: không mang khẩu trang, giày, đeo kính... Một số lao động mặc dù biết là môi trường làm việc ô nhiễm, độc hại, chưa kể do đặc thù nghề đúc thì các tai nạn gây thương tích và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn nhưng vẫn không sử dụng bảo hộ lao động cá nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ nên công việc không ổn định, do vậy việc tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN gặp khó khăn. Người lao động chủ yếu chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp chưa được đào tạo bài bản, ý thức kỷ luật của người lao động về pháp luật ATVSLĐ còn hạn chế. Mặt khác người sử dụng lao động chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà chưa quan tâm đến vai trò quan trọng của ATVSLĐ.
Theo quy định, khi tuyển dụng, người sử dụng lao động phải tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ song vì lợi nhuận, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ qua, nên nhiều người lao động vẫn chưa nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình về ATVSLĐ, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động. Mặt khác, phần lớn cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, thường đặt tại gia đình, người thợ chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau, chưa mang tính chuyên nghiệp, không tham gia BHXH, BHYT. Việc trang bị bảo hộ lao động ở nhiều cơ sở mang tính đối phó, chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận “miệng” và không thực hiện thống kê các vụ việc tai nạn báo cáo cơ quan chức năng. Khi tai nạn xảy ra, thiệt thòi nhất chính là người lao động, nhất là đối tượng không có BHXH, BHYT, phải tự lo mọi khoản chi phí. Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 6 người lao động không theo hợp đồng lao động bị tai nạn lao động, trong đó có 4 người chết, 1 người bị thương nặng. Họ đều là lao động chính trong gia đình, còn đang nuôi con nhỏ, bố mẹ già cần chăm sóc.
Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ, nhất là đối với người lao động không theo hợp đồng lao động, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về công tác ATVSLĐ đối với người sử dụng lao động và người lao động nhằm bảo đảm an toàn lao động trong quá trình làm việc, hạn chế tối đa các nguy cơ gây tai nạn lao động, các yếu tố gây bệnh tật hoặc bệnh nghề nghiệp đối với người lao động; giảm tổn thất về kinh tế của Nhà nước, của doanh nghiệp do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra giám sát ATVSLĐ ở cơ sở. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động và người chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, là nền tảng để doanh nghiệp, làng nghề phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Minh Tân