Để đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của nhân dân, tiến tới xóa hộ không có nhà ở, hộ khó khăn về nhà ở; giảm dần nhà tạm, thiếu kiên cố; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng và mức độ tiện nghi của nhà ở; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc, hiện đại, cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/NĐ-HĐND ngày 6-7-2018 thông qua Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là chương trình quan trọng thúc đẩy tăng trưởng về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng CNH-HĐH.
Nhà ở dân dụng tại KĐT Dệt may (TP Nam Định). |
Thực hiện Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng đề cương nhiệm vụ, tư vấn triển khai rà soát hiện trạng, dự báo nhu cầu và đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở của tỉnh. Căn cứ theo số liệu báo cáo, khảo sát của các huyện, thành phố, tính đến 31-12-2016, tổng số nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh là 566.426 căn. Trong đó, tỷ lệ nhà kiên cố 95,1%; nhà bán kiên cố 4,4%; nhà thiếu kiên cố 0,4% và 0,1% nhà đơn sơ. Tổng diện tích nhà ở là 43.326.353m2 sàn; diện tích sàn bình quân 76,5 m2/căn. Diện tích nhà ở bình quân đầu người 23,4 m2/người. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc phát triển nhà ở hiện tại trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính định hướng. Nhà ở thương mại có xu hướng phát triển mạnh hơn trong khi nhà ở dành cho nhóm đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt 18,28%. Sức hút nhà ở đô thị còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích các chủ thể trong việc phát triển nhà ở xã hội, như các cơ chế ưu đãi về thuế, về đất đai, về các thủ tục đầu tư. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm. Công tác phát triển nhà ở mới chậm do thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền điều hành công tác quản lý, phát triển nhà ở. Do đó, Chương trình phát triển nhà ở được thông qua sẽ tạo căn cứ pháp lý để ngành Xây dựng tập trung thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở bền vững. Căn cứ vào thực trạng tốc độ phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2020 và 2030; tỉnh đặt ra mục tiêu chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2017-2020: Chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,3 m2/người (trong đó: đô thị là 32,1 m2/người; nông thôn là 23,7 m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người; Tổng diện tích nhà ở tăng thêm 10.912.020m2 sàn, trong đó gồm nhà ở thương mại (60 nghìn m2 sàn); nhà ở công nhân, người lao động tại các KCN (20 nghìn m2 sàn); nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (20 nghìn m2 sàn); nhà ở dân tự xây (10,812.020m2 sàn). Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho các đối tượng chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia như nhà ở cho người có công với cách mạng đảm bảo diện tích 64.720 m2 sàn; nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn đảm bảo 27.880 m2 sàn. Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 97%; giảm tỷ lệ nhà ở bán kiên cố xuống 3,0%; không còn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 32,5 m2/người (trong đó: đô thị là 35,7 m2/người; nông thôn 29,6 m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm 26.420.432m2 sàn, trong đó gồm nhà ở thương mại đạt 10 triệu m2 sàn; nhà ở công nhân, người lao động tại các KCN (274.080m2 sàn); nhà ở cho sinh viên (14.256m2 sàn); nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (160 nghìn m2 sàn); nhà ở dân tự xây (15.972.096m2 sàn). Diện tích nhà ở hỗ trợ xây dựng mới cho các đối tượng theo chương trình mục tiêu gồm nhà ở cho người có công với cách mạng (129.440m2 sàn); nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn (70.440m2 sàn). Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%.
Từ chỉ tiêu diện tích tăng thêm của các loại nhà ở và suất vốn đầu tư xây dựng cho từng loại nhà ở, dự kiến nguồn vốn cần để phát triển nhà ở giai đoạn 2017-2020 khoảng 74.326 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030 khoảng 210.237 tỷ đồng. Quỹ đất cần thiết để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2017-2020 là 487ha; giai đoạn 2021-2030 là 2.485ha. Đối với nhà ở thương mại, định hướng của tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm các đô thị và phát triển nhà ở hỗn hợp cao tầng tại khu vực trung tâm Thành phố Nam Định. Đối với nhà ở xã hội, tập trung phát triển nhà chung cư cho công nhân tại KCN Rạng Đông, Mỹ Thuận và Mỹ Trung, đồng thời xem xét áp dụng hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng quỹ đất. Còn nhà ở dân tự xây, tỉnh yêu cầu đối với xây dựng nhà trọ cần đảm bảo theo quy chuẩn gắn liền với đầu tư hạ tầng phát triển các khu dân cư gần KCN. Để đáp ứng tốt việc thực hiện các chỉ tiêu trên thực tế, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế triệt để thực hiện nguyên tắc chấp thuận đầu tư phát triển dự án nhà ở phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo phát triển đồng bộ tại khu vực phát triển nhà ở. Áp dụng cơ chế cho phép được đóng tiền sử dụng đất hằng năm để giảm áp lực tài chính cho chủ đầu tư; được hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Thành phố Nam Định, Thị trấn Rạng Đông và Thị trấn Thịnh Long được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng hoặc hỗ trợ quỹ đất sạch. Ban hành tiêu chuẩn, quy chế quản lý đối với loại hình nhà trọ do dân tự xây. Giai đoạn 2018-2025, ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở. Ngoài ra, tỉnh tập trung rà soát bố trí quỹ đất phát triển nhà ở theo dự án, bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng, các công trình công ích, nhà ở xã hội tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh: Thành phố Nam Định, Thị trấn Rạng Đông. Thiết lập danh sách quỹ đất dự kiến giới thiệu địa điểm để thực hiện các dự án phát triển nhà ở và công bố công khai để kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, về quy hoạch kiến trúc, tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhằm xác định rõ quỹ đất kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại mỗi địa phương. Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án phát triển hệ thống hạ tầng theo quy hoạch tại các đô thị lớn. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc làm cơ sở để quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đơn vị hành chính. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, phát triển nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng cơ chế quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong việc bố trí quỹ đất 20% để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với quy định của Luật Nhà ở./.
Bài và ảnh: Đức Toàn