Sách giáo khoa cũ cho học sinh nghèo

08:08, 17/08/2018

Khi con trai vừa kết thúc năm học, chị Nga, đường Nguyễn Tri Phương, phường Văn Miếu (TP Nam Định) lại tranh thủ sắp xếp lại đống sách giáo khoa cũ vào thùng các-tông để bán cho đồng nát. Biết là sách vẫn còn mới nhưng nhà chật chội, bạn bè, đồng nghiệp kinh tế đều khá giả nên chắc chắn không dùng đến sách cũ cho con học nên nhiều năm nay chị đều bán với giá giấy vụn. Lúc mua thì có giá vài trăm nghìn nhưng lúc bán, giá của “khối kiến thức” này chỉ được vài chục nghìn đồng. Không chỉ riêng chị Nga mà hầu như nhà ai trong khu phố cũng đều bán sách giáo khoa cũ theo giá giấy vụn. Còn chị Mai Hương, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho biết, hằng năm chị phải chi ra cả triệu đồng để mua sách giáo khoa và sách tham khảo cho hai con học THCS và THPT. Tuy nhiên, trong số sách này, một số cuốn có thể để lại làm tư liệu học cho con, còn lại hết năm học lại mang cho người khác hoặc bán đồng nát. Chị trăn trở: “Thời chúng tôi đi học, có được bộ sách giáo khoa đầy đủ là quý lắm, một bộ dùng được 2-3 năm vẫn còn mới. Bây giờ, sách in nhiều, chất liệu cũng dễ rách, nhàu. Nhiều cuốn có bài tập để học sinh làm ngay ở dưới nên dùng một năm là bỏ, vừa gây lãng phí, vừa không tạo cho học sinh có ý thức giữ gìn như hồi trước”. 

Nhóm Thiện Tâm Nam Định trao sách giáo khoa cho các em học sinh nghèo ở xã Xuân Đài (Xuân Trường).
Nhóm Thiện Tâm Nam Định trao sách giáo khoa cho các em học sinh nghèo ở xã Xuân Đài (Xuân Trường).

Hiện nay, khi kinh tế phát triển, mỗi gia đình lại có ít con nên vào đầu năm học đều mua cho con bộ sách giáo khoa mới. Tuy nhiên cũng còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn việc mua cho con bộ sách giáo khoa cộng với các khoản chi phí đầu năm học đã khiến nhiều người lo mất ăn mất ngủ. Chị Trần Thị Vân ở phường Lộc Hạ (TP Nam Định) có hoàn cảnh khó khăn khi chồng đau yếu thường xuyên, chị chỉ bán rau ngoài chợ nuôi hai con ăn học nên kinh tế rất eo hẹp. Chị cho biết, để chuẩn bị cho con vào năm học mới, các loại sách giáo khoa, sách tham khảo các con cần mua cùng với các khoản đóng góp, mua đồng phục đã khiến gia đình tốn kém một khoản không nhỏ, trong khi thu nhập của chị chỉ từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/ngày. Được người hàng xóm tốt bụng xin cho con gái lớn trọn bộ sách giáo khoa lớp 11 và con gái nhỏ một số sách giáo khoa lớp 7 nên chị cũng đỡ đi phần nào chi phí chuẩn bị cho con trước thềm năm học mới. Còn với em Trịnh Thu Hồng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) được bạn giới thiệu, năm nay em quyết định không mua sách giáo khoa mới nữa mà ra hàng sách cũ ở phố Lê Hồng Phong (TP Nam Định) mua trọn bộ sách giáo khoa lớp 12 nhằm bớt chi phí. Em cho biết, tuy gọi là sách cũ nhưng nhiều cuốn vẫn còn mới, lại đều là sách của Bộ GD và ĐT phát hành mà giá chỉ còn non nửa. Em muốn tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, năm nay lại cuối cấp nên các khoản chi phí sẽ cao hơn. Vả lại theo em sách mới hay cũ không quan trọng, miễn là học hành chăm chỉ để đạt được kết quả tốt nhất. Với những học sinh như Hồng, ở thành phố còn dễ dàng tìm được sách giáo khoa cũ, nhưng cũng còn nhiều gia đình nông dân nghèo khác ở quê đang “loay hoay” với khoản mua sách cho con. Bởi, với thu nhập của nhà nông, một bộ sách giáo khoa có giá khoảng từ 400 đến 500 nghìn là cả vấn đề nan giải, chưa nói gì đến việc mua sắm quần áo, đồ dùng học tập cho con. Thế nhưng, qua mỗi năm học, hàng nghìn cuốn sách giáo khoa đã qua sử dụng đã không đến được với những học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn. Được biết, trong hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cũng quan tâm đến việc giáo dục học sinh biết giữ gìn sách vở cẩn thận, sạch đẹp. Đã có những cá nhân, gia đình với suy nghĩ và tấm lòng trân trọng giá trị của những cuốn sách, có những việc làm có ý nghĩa như tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Việc giữ gìn và tặng sách không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà còn giáo dục trẻ em biết trân trọng giá trị của sách, biết chia sẻ, đồng cảm với các bạn còn khó khăn hơn mình. Vì vậy, vào mỗi dịp hè, nhiều tổ chức, cá nhân thường tổ chức kêu gọi quyên góp sách giáo khoa cũ để tặng học sinh nghèo trong tỉnh, học sinh vùng sâu vùng xa trên mọi miền Tổ quốc. Trong đó, nhiều năm qua, mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, nhóm thiện nguyện Thiện Tâm Nam Định đều đi quyên góp sách giáo khoa cũ và đồ dùng học tập cho các cháu mồ côi và những cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Những cuốn sách cũ mang về đa số không đủ bộ, 100% cuốn bài tập đều bị điền đáp số. Vì vậy, nhóm phải ngồi soạn để bỏ những cuốn đã điền đáp số. Thiếu cuốn nào nhóm lại mua thêm vào cho đủ bộ mới mang đi tặng. Hiện tại nhóm đã tặng 20 bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho 20 em mồ côi ở Chùa Linh Ứng, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); tặng 2 bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho 2 con chị Đặng Thị Thúy ở xóm 7, xã Xuân Đài (Xuân Trường); tặng 1 bộ sách giáo khoa cho em Vũ Thị Yến học sinh lớp 8A Trường THCS xã Yên Lương (Ý Yên), tặng 3 bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho 3 em mồ côi ở tổ dân phố An Hưng, Thị trấn Mỹ Lộc; tặng 1 bộ sách và đồ dùng học tập cho em Trần Minh Chiến, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc); tặng 2 bộ sách và đồ dùng học tập cho 2 em mồ côi ở xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng)… Đó là những món quà thật sự có ý nghĩa đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trước thềm năm học mới.

Hiện nay nhiều loại sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào đó. Như vậy, học sinh chỉ học sách một lần rồi cất hoặc bỏ đi. Tuy nhiên, nhiều cuốn sách giáo khoa THCS, THPT không dùng phần bài tập nếu các em giữ gìn vẫn có thể dành để tặng các bạn có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, nhất là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng vừa trải qua thiên tai lũ lụt. Từ nhiều năm nay, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục và các cấp quản lý giáo dục địa phương đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ sách giáo khoa cho học sinh; vận động các địa phương đẩy mạnh phong trào quyên góp, tặng sách giáo khoa cũ ủng hộ học sinh nghèo, cấp phát miễn phí sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo học sinh trên mọi miền đất nước, trong mọi hoàn cảnh đều có sách giáo khoa để học tập. Chủ trương của Bộ GD và ĐT là khuyến khích địa phương tiết kiệm, tránh gây lãng phí trong việc cung ứng sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và đáp ứng nhu cầu của người dân; khuyến khích, vận động các gia đình giữ gìn sách giáo khoa hằng năm để lại cho các em học sinh trong gia đình cùng sử dụng trong những năm học sau. Đồng thời, Bộ GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp và người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng và hướng dẫn chi tiết việc sử dụng sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục.

Việc quyên góp, trao tặng sách giáo khoa cũ nếu được thực hiện, những cuốn sách giáo khoa chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy tác dụng, vừa tránh sự lãng phí vừa đem lại niềm vui cho học sinh nghèo trước năm học mới./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



chợ đồ cũ hà nội uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com