Vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong gia đình những năm qua đã được Đảng, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… mà trọng tâm là Luật Bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở trong các gia đình nguyên nhân một phần là do những người đàn ông thường xuyên rượu chè, không làm chủ được các hành vi, xa đà vào các tệ nạn xã hội (lô đề, cờ bạc, nghiện hút…) nên gánh nặng gia đình, sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Bên cạnh đó do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội Phụ nữ. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới… Phụ nữ còn tự ti, an phận, cam chịu và chấp nhận với những định kiến giới tồn tại trong xã hội. Phong tục, tập quán lạc hậu theo kiểu “xuất giá tòng phu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi là một trong những nguyên nhân cản trở mục tiêu bình đẳng giới. Ở khu vực vùng nông thôn, trong các gia đình còn nặng nề quan niệm con trai hơn con gái, công việc gia đình là trách nhiệm của riêng phụ nữ, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống… nên việc đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được chú ý và quan tâm nhiều như với trẻ em trai. Để tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, HND tỉnh đã phối hợp với Ban Xã hội - Dân số và Gia đình (Trung ương HND Việt Nam) tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân các huyện, thành phố. Trong đó, giảng viên đã truyền đạt các nội dung về thực trạng và hậu quả của bạo lực gia đình đối với xã hội; ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò của nam giới với công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em... đến hơn 3.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó giúp các tuyên truyền viên là cán bộ, hội viên nông dân nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, hòa giải mâu thuẫn; bảo vệ con cháu mình trước các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục... góp phần xây dựng gia đình nông dân văn hóa và xây dựng NTM. HND tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi tọa đàm với chủ đề “Đừng vung tay - Hãy cầm tay” tại huyện Hải Hậu; giao lưu sân khấu hóa “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” tại huyện Ý Yên; tập huấn “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nam giới về phòng, chống bạo lực gia đình” tại huyện Nghĩa Hưng; diễn đàn “Đàn ông đích thực nói không bạo lực với phụ nữ” tại huyện Giao Thủy cho 1.500 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, chủ yếu là nam nông dân... Thông qua các hội nghị tập huấn, truyền thông, tọa đàm đã giúp cho cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, kỹ năng truyền thông về công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương góp phần xây dựng thôn xóm văn hoá. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức cụ thể như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các tài liệu tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu hay lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị chuyên đề. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến được HND các cấp trong tỉnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng, định kiến giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.
Thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; mở rộng đối tượng tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả hơn. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em ở nông thôn; việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, chỉ tiêu bổ nhiệm cán bộ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương… nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị thế của phụ nữ trong xã hội, góp phần vào mục tiêu bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình NTM./.
Hoàng Tuấn