Nâng cao nhận thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường cho nông dân

08:08, 15/08/2018

Tỉnh ta có 124 làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo số liệu thống kê, các làng nghề đã thu hút từ 10% đến hơn 60% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn. Các làng nghề đã giúp cho nông dân ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Cùng với sự phát triển về kinh tế của các làng nghề, vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và ô nhiễm môi trường làng nghề và nông thôn đang ngày càng trở nên nổi cộm. Hiện đã có nhiều dự án hỗ trợ chuyển giao của các tổ chức trong và ngoài nước cho việc xử lý ô nhiễm làng nghề, bảo đảm ATVSLĐ vùng nông thôn nhưng thực tế, tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh tật và ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn ngày càng trở thành vấn đề bức xúc bởi chất thải sản xuất: bụi, khí độc, cặn bã, nước thải… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn xảy ra. Người lao động trong các cơ sở sản xuất, làng nghề vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ trong quá trình làm việc… 

Nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người trực tiếp sản xuất, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành như Sở: NN và PTNT, LĐ-TB và XH, TN và MT đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo ATVSLĐ, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, các lớp dạy nghề…, nhận thức của hội viên, nông dân về ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, để góp phần bảo đảm VSATTP, hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất, HND các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa nhiều nội dung tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp an toàn và bảo vệ môi trường nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. HND các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất độc hại; áp dụng nghiêm nguyên tắc “4 đúng” trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất ở các làng nghề hướng tới mục tiêu mở rộng các mô hình nông dân sản xuất an toàn, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, HND tỉnh còn triển khai các mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường trong hội viên, nông dân; trong đó, nổi bật là xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh - sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao; tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện ATVSLĐ, xây dựng các mô hình thu gom rác thải trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường trong các làng nghề gắn với việc triển khai xây dựng NTM; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường xây dựng NTM. Nhờ đó ngày càng có nhiều mô hình hay, hiệu quả được duy trì, nhân rộng tại các địa phương. Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản suất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng; tạo môi trường an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất, xóa dần tập quán sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các doanh nghiệp tổ chức được trên 2.000 buổi tập huấn cho 180 nghìn lượt hội viên nông dân với các nội dung như: Hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP; sản xuất rau sạch; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học; hướng dẫn cách chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Phối hợp tổ chức đối thoại “Nhịp cầu nhà nông” cho trên 1.000 hội viên, nông dân của 2 huyện: Xuân Trường và Nam Trực. Phối hợp với Cty TNHH Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học BiOWish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản; triển khai thử nghiệm 15 mô hình ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng... Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh đã tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn. Duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn ATTP, ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Chủ động phối hợp, hỗ trợ chứng nhận các hộ nông dân, tổ, nhóm, hợp tác sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện, hội chợ, bình chọn, quảng bá, tôn vinh nông dân có thành tích xuất sắc, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp chất lượng an toàn; hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn... góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch bền vững, thân thiện với môi trường.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo ATVSLĐ và bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân, thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh và chủ động tố giác các hành vi vi phạm ATTP, mất ATVSLĐ, bảo vệ môi trường; tăng cường sự phối hợp giám sát về an toàn thực phẩm giữa HND với các ngành chức năng. Tiếp tục lồng ghép nội dung bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, ATVSLĐ vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn./.

Hoàng Tuấn



Tổng hợp tin đăng tìm việc 24h mới nhất Giày chống đinh công nhân An Việt Thu mua phế liệu giá cao Hòa Bình

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com