Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua công tác dân số - KHHGĐ ở huyện Nam Trực đã được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Tư vấn chính sách dân số - KHHGĐ cho hội viên Hội Phụ nữ tại xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nam Trực đã tăng cường hoạt động truyền thông về các mô hình, đề án; mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. Huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tiếp tục quan tâm đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực cho công tác dân số - KHHGĐ. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế làm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện KHHGĐ. Đến nay 100% số trạm y tế xã, thị trấn thực hiện được dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng các biện pháp tránh thai. Xã Nam Thanh là đơn vị tiêu biểu của huyện trong thực hiện các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số. Hằng năm, Ban Dân số xã xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Xã đã triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; các mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng”. Hiện nay, xã đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số nhiệt tình, năng động, có tinh thần trách nhiệm cao, gồm 1 cán bộ chuyên trách và 23 cộng tác viên dân số. Nhằm nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, xã đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của công tác dân số - KHHGĐ. Các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tổ chức các hội nghị, giao lưu tọa đàm về thực trạng và giải pháp giảm mức sinh và tỷ lệ người sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Tổ chức chiến dịch truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ, thực trạng về mức sinh cao và tỷ lệ người sinh con thứ 3, già hoá dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ, phát huy cơ cấu “Dân số vàng”, thực trạng việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đến nay quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con được đông đảo các cặp vợ chồng trẻ trong xã chấp nhận, đặc biệt việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn duy trì trên 80%; các bà mẹ mang thai được cán bộ, nhân viên y tế thị trấn chăm sóc, theo dõi theo quy định. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt 100%; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt mục tiêu đề ra là 112 cháu trai/100 cháu gái.
Để nâng cao chất lượng dân số, huyện Nam Trực đã ban hành Kế hoạch 35 về “Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số đến năm 2020”; Kế hoạch số 36 về thực hiện đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng đến năm 2025”; đề ra các giải pháp về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, tiếp tục giảm sinh, đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, thực hiện kế hoạch hành động “Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng”, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, NCT về chương trình, mục tiêu, những vấn đề đặt ra trong công tác dân số hiện nay và kỹ năng tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ. Các cấp Hội NCT trong huyện lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” với công tác dân số - KHHGĐ để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, thôn, xóm, khu dân cư. Công tác chăm sóc NCT, các chế độ đối với NCT trên địa bàn huyện được triển khai tốt, góp phần động viên NCT sống vui, sống khoẻ. Đến nay đã có 12/20 xã, thị trấn xây dựng được quỹ toàn dân chăm sóc NCT, tiêu biểu như các xã: Nam Hùng, Nam Lợi, Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Hoa, Nam Hồng, Bình Minh... Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, có 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 100% NCT có thẻ BHYT. Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT tại mỗi gia đình. Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT; thường xuyên thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho NCT tại trạm y tế xã, thị trấn trong toàn huyện.
Thời gian tới huyện Nam Trực tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Nhân rộng các đề án về nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc SKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số. Triển khai hiệu quả tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và khuyến khích thu phí dịch vụ KHHGĐ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm 0,1%o. Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản. Cải thiện sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên. Giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 110 cháu trai/100 cháu gái. Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào triển khai chính sách, xây dựng và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ huyện đến cơ sở./.
Bài và ảnh: Việt Thắng