Để góp phần thực hiện tốt Chiến lược Dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 48 về Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch 47 về Thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2025. Đây là những định hướng chiến lược và là những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản (SKSS), duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khuyến khích tập luyện thể thao để chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. (Trong ảnh: Tiết mục biểu diễn của hội viên CLB dưỡng sinh TP Nam Định). |
Từ định hướng đúng, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, công tác truyền thông và giáo dục về chính sách dân số - KHHGĐ đã làm thay đổi quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ của các tầng lớp nhân dân, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện gia đình ít con (một hoặc hai con), xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Để nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhân dân”. Trung tâm dân số - KHHGĐ huyện thành lập Đội lưu động y tế, dân số - KHHGĐ thực hiện công tác truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ. Các ngành, đoàn thể các địa phương trong huyện đã tham gia tích cực thông qua việc đẩy mạnh hoạt động các CLB: “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” của Hội Nông dân; “CLB tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên; “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” của Hội Phụ nữ. Đồng thời, huyện quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay cả 35 xã, thị trấn đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; 546 cán bộ y tế của 546 xóm, tổ dân phố, thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng, sơ cấp cứu bệnh tại xóm, tổ dân phố; 4 phòng khám đa khoa tư nhân; 44 phòng mạch, chuyên khoa tư nhân. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện đồng bộ, hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. 100% cụ từ 80 tuổi trở lên và người khuyết tật được lập sổ theo dõi sức khỏe. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được quan tâm. Là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch 47 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định giai đoạn 2017-2020”, huyện Hải Hậu đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, góp phần nâng cao công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Ngay từ đầu năm 2018, các cơ sở Hội đã tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi ở các độ tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi. Thực hiện chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” do Trung ương Hội phát động, Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện đã tổ chức khám mắt miễn phí cho người cao tuổi. Triển khai “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, Hội đã tổ chức thăm hỏi tặng quà hội viên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, mỗi suất quà trị giá từ 200-300 nghìn đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - KHHGĐ ở Hải Hậu có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Cụ thể: Năm 2017, tỷ suất phát triển dân số tự nhiên có xu hướng giảm, còn 10,2 phần nghìn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,4% so với năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh 114 trẻ trai/100 trẻ gái, đạt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Để nâng cao chất lượng dân số, huyện Nghĩa Hưng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số - KHHGĐ giai đoạn 2016-2020, đặt ra mục tiêu: Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu mỗi năm giảm sinh 0,2 phần nghìn; giảm số người sinh con thứ 3 trở lên 1,5% nhằm giữ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 1%, tiến tới ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục triển khai Đề án 52 về “Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển”, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Đề án Tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân, Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Để đạt được các chỉ tiêu này, tại 25 xã, thị trấn có sự “vào cuộc” quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đổi mới phương pháp tiếp cận và vận động, tranh thủ sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội, tránh sức ép của gia đình, dòng họ. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi; tăng cường công tác tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai cho đối tượng. Công tác kiểm tra, giám sát việc rà soát được thực hiện thường xuyên, tích cực cập nhật biến động dân số - KHHGĐ vào kho dữ liệu điện tử. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ từ huyện đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số - KHHGĐ tại tỉnh chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số theo định hướng giải quyết tốt quan hệ dân số và phát triển. Các mục tiêu cụ thể về công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đến năm 2020 là: Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm 0,1%; giảm tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi còn 6,5%, dưới 5 tuổi còn 10%; tăng tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế chăm sóc lên 100%, giảm tỷ suất tử vong mẹ xuống dưới 40 ca/100 ca đẻ sống; tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 78%; tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản giảm còn 24%, tỷ lệ phụ nữ 30-54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung đạt 20%, tỷ lệ phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú đạt 20%; cải thiện SKSS vị thành niên, tăng điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện với người chưa thành niên lên trên 20% tổng số điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS. Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép các yếu tố về dân số vào việc triển khai chính sách xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, mạnh về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục với những nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; đặc biệt chú trọng tới khu vực khó khăn, khu vực chưa đạt các chỉ tiêu về dân số, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, SKSS. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác dân số - KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Đề án “kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định”, Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS, KHHGĐ./.
Bài và ảnh: Việt Thắng