Diện mạo nông thôn mới trên quê hương anh hùng

08:08, 31/08/2018

Trở lại Yên Nghĩa (Ý Yên), vùng đất được khai phá từ xa xưa, lần lượt mang các tên Vô Vọng, Chuế Cầu rồi Trung Nghĩa và từ năm 1956 mang tên Yên Nghĩa dịp này, chúng tôi ngỡ ngàng được chứng kiến sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng quê từng là “căn cứ kháng chiến” của huyện Ý Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có được thành quả đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã luôn phát huy truyền thống, ý chí cách mạng, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng quê hương.

Xã Yên Nghĩa có vị trí rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trong các cuộc kháng chiến. Nằm cận kề với huyện lỵ Ý Yên cũ (phía bắc cầu Bo thuộc xã Yên Chính hiện nay) cách sông Đáy khoảng 2km, bên kia là tỉnh Ninh Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám, giao thông chủ yếu của Yên Nghĩa bằng đường thuỷ theo dòng sông Thiên Phái (nay là sông Mỹ Đô) ra sông Đáy đi các nơi khác; đường bộ đi lại rất khó khăn. Nhân dân trong xã có truyền thống yêu nước, cách mạng, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Theo Lịch sử Đảng bộ xã, không lâu sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (ngày 19-12-1946), ngày 17-11-1947 chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào cách mạng của địa phương. Có tổ chức Đảng tiên phong dẫn đường, các phong trào cách mạng của nhân dân Yên Nghĩa ngày một trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng quê hương, dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân trong xã đã kiên cường bám đất, bám làng, đùm bọc nuôi giấu cán bộ, đảng viên, chiến đấu ngoan cường cùng nhân dân Ý Yên làm nên các chiến thắng: An Lão (ngày 26-6-1952); bốt Bô (ngày 25-11-1952)… Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngoài lực lượng tại chỗ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đóng góp của cải cho chiến trường, bảo vệ quê hương, xã Yên Nghĩa đã có 865 thanh niên ưu tú lên đường vào Nam chiến đấu. Với những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Yên Nghĩa vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết ủng hộ của nhân dân để thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Từ đường trục xã, qua “Ao cá Bác Hồ”, qua trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, đi trên những con đường NTM rộng rãi, phẳng lì ở các thôn Thanh Khê, Ngọc Chuế, Nhân Nghĩa... chúng tôi cảm nhận rõ nét sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê nghèo xưa. Ven đường trục xã, cho tới các dong ngõ, xóm đâu cũng thấy những ngôi nhà mái bằng kiên cố san sát, thấp thoáng đan xen những kiến trúc biệt thự bề thế, hiện đại, những công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh mới được đầu tư xây dựng khang trang... Hệ thống đường trục xã tổng chiều dài 2,5km được cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư trên 3,2 tỷ đồng; gần 23km đường trục thôn xóm, đường dong ngõ đã được cứng hóa, bê tông hóa với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; 8,1km đường trục chính nội đồng được cứng hóa với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng; trường mầm non được khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 7,9 tỷ đồng... Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Yên Nghĩa đã huy động được trên 16,8 tỷ đồng từ các nguồn để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM từ tháng 1-2016. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Đận, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để có được những thành quả đổi thay đó, Đảng bộ, chính quyền xã qua các thời kỳ đã đề ra các nghị quyết chuyên đề “đúng và trúng” để lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó chú trọng thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trạm bơm tưới tiêu, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa chống ngập úng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích các hộ dân tích cực tham gia các mô hình, phương thức sản xuất mới, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp để phát huy tối đa tiềm năng đất đai, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân và góp phần nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác lên trên 100 triệu đồng/ha/năm. Để đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xã Yên Nghĩa chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân trong độ tuổi lao động. Xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, các trường dạy nghề trong huyện, trong tỉnh tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, may công nghiệp cho gần 200 lao động; khuyến khích phát triển ngành nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp, 4 tổ hợp may công nghiệp đang hoạt động, đảm bảo việc làm cho trên 400 lao động với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Nghĩa đang nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2018, xã Yên Nghĩa phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 34 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%; củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com