Những năm qua tỉnh ta đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63 nhà máy nước đang hoạt động phục vụ người dân, trong đó 46 nhà máy có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, 17 nhà máy có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm. Sông Hồng và sông Đào là 2 con sông có số nhà máy nước lấy nước nguồn nhiều nhất, sau đó là các sông Ninh Cơ, sông Đáy và sông Sắt.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thường xuyên rà soát và tiến hành kiểm tra các nhà máy nước trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã rà soát và tiến hành kiểm tra 60 nhà máy nước ở 10 huyện, thành phố; phối hợp với các cơ sở cung cấp nước thực hiện nội kiểm cho 24 cơ sở. Qua kiểm tra giám sát cho thấy: 12 nhà máy trên 1.000m3 không có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; 30 nhà máy trên 1.000m3 có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; 15 nhà máy dưới 1.000m3 có nguy cơ ô nhiễm; 1 nhà máy trên 1.000m3 và 2 nhà máy dưới 1.000m3 có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước; 43 nhà máy nước có vệ sinh ngoại cảnh đảm bảo (đạt 71,67%); 17 nhà máy chưa đảm bảo vệ sinh ngoại cảnh (28,33%). Qua kiểm tra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tư vấn cho các nhà máy nước lập hồ sơ quản lý và thực hiện chế độ nội kiểm vệ sinh chất lượng nước theo quy định của Thông tư 50/2015/TT-BYT. Phần lớn các nhà máy nước đã đảm bảo về vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu và trong khuôn viên nhà máy và các điều kiện: Hóa chất có nhà kho để chứa, rác thải nguy hại có chỗ để tránh mưa nắng, bùn lắng được thu gom và xử lý theo quy định, hệ thống sản xuất nước được vệ sinh định kỳ...
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số nhà máy nước do xây dựng từ khá lâu, ít được đầu tư cải tạo nên đã xuống cấp, đường ống cấp nước quá cũ gây ảnh hưởng đến chất lượng nước; một số nhà máy nước chưa nghiêm túc trong thực hiện chế độ nội kiểm. Do kinh phí cho thực hiện ngoại kiểm hạn chế nên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ kiểm tra được về vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh hệ thống sản xuất nước, vệ sinh nơi khai thác nước nguyên liệu và chỉ kiểm tra được một số chỉ tiêu của nước thành phẩm. Để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ sạch nguồn nước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng vận động cộng đồng sử dụng nước sạch và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho cán bộ tuyến huyện, mỗi lớp gần 100 học viên. Công tác truyền thông được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; qua hệ thống băng rôn với các tiêu đề về nước sạch và vệ sinh môi trường; in tờ rơi, poster tuyên truyền về vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, cách xây dựng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình… Bên cạnh đó, nhiều hội nghị tập huấn được triển khai xuống cơ sở cho đối tượng là cán bộ y tế thôn, trưởng thôn xóm, các đoàn thể, giáo viên các trường học, chủ các cơ sở chế biến thực phẩm... Nội dung tập huấn gồm công tác quản lý vệ sinh ATTP tại bếp ăn tập thể; Nâng cao năng lực truyền thông vận động cộng đồng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; Cách chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm...
Với nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân trong tỉnh về vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ đã được nâng lên rõ rệt. Người dân đã tích cực tham gia các phong trào giữ gìn nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường bằng những hành động cụ thể như: xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, tích trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình... Hiện tại, toàn tỉnh có 87,8% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 76,8% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể./.
Minh Thuận