Từ đầu năm đến nay, các ngành: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Về nội dung, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP; nguyên nhân, cách nhận biết nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng, chống sự cố về ATTP; thông tin về các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn; việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn, xử lý đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng về ATTP… Đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP bao gồm người tiêu dùng thực phẩm; người quản lý, điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản). |
Công tác tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú trên nhiều kênh khác nhau như: trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn. Nội dung tuyên truyền tập trung chuyển tải các thông điệp về ATTP, Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuyên truyền qua kênh truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, NN và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể (MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, CTV y tế thôn…) với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi tuyên truyền về ATTP… Công tác truyền thông trực tiếp còn thông qua các đợt truyền thông lưu động của Chi cục VSATTP tỉnh; tập trung cao độ vào 3 thời điểm: trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… tại các khu dân cư. Ngoài ra, Sở Y tế còn cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí tại các buổi giao ban báo chí định kỳ, cung cấp các thông tin về ATTP và các giải pháp bảo đảm ATTP cho đội ngũ báo cáo viên tuyên giáo, xây dựng các mô hình điểm về ATTP tại các khu dân cư... Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 52 buổi nói chuyện về ATTP với hơn 5.300 người tham gia; tổ chức 85 lớp tập huấn về công tác ATTP cho 7.500 người là đại diện các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, hội viên Hội Nông dân tỉnh; tổ chức 35 hội nghị truyền thông trực tiếp với tổng số 2.415 người tham dự; tổ chức hàng chục chuyến xe lưu động từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và cung cấp hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình về công tác ATTP. Cụ thể, treo 918 băng rôn, khẩu hiệu, hơn 1.050 tranh, áp phích tuyên truyền về ATTP, phát hơn 34 nghìn tờ rơi, lồng ghép tuyên truyền bệnh lùn sọc đen trên lúa, cấm sử dụng hàn the trong sản xuất, chế biến giò chả, cấm sử dụng tạp chất trong kinh doanh, bảo quản thuỷ sản, hướng dẫn sử dụng rau an toàn; phát 23.850 tờ rơi, 1.500 tờ gấp cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; phát 40 băng đĩa hình, 478 băng đĩa tiếng tuyên truyền thông điệp đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP năm 2018… Công tác tuyên truyền trên sóng truyền hình, truyền thanh tập trung vào các nội dung: Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; hướng dẫn ứng dụng tem điện tử thông minh QR code trong sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh phát trên đài phát thanh 12 xã ven biển; tổ chức tuyên truyền về chống buôn lậu, hàng cấm, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hoá vi phạm ghi nhãn, hàng kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng... Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tổ chức chăng treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu; in sao trên 200 đĩa tuyên truyền, phát 10 nghìn tờ rơi, tổ chức phát trên 30 lần các thông điệp tuyên truyền trên sóng truyền hình, trên 3.100 lần trên hệ thống loa truyền thanh trong toàn tỉnh; đăng, phát hàng chục tin, bài về hoạt động đảm bảo ATTP trên Báo Nam Định và Đài PT-TH tỉnh. Trong đó khẩu hiệu “Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm, rau, thịt, thuỷ sản tươi sống không an toàn”, “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn”, “Không sử dụng cồn công nghiệp để pha và sản xuất rượu cho người tiêu dùng”, “Vì sức khoẻ người tiêu dùng, hãy đảm bảo thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, “Vì sức khoẻ người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng hoá chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản”, “Lựa chọn thực phẩm, rau, thịt, thuỷ sản tươi sống sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khoẻ”… là những thông điệp truyền thông được chuyển tải nhiều nhất tới người tiêu dùng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018. Đặc biệt, công tác tuyên truyền ATTP còn huy động sự tham gia đắc lực của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, MTTQ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban quản lý các KCN… Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ Thành phố Nam Định tổ chức hội thi tuyên truyền ATTP; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành phố tuyên truyền ATTP vào các đợt cao điểm, vận động mỗi huyện, thành hội xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, nói “không” với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh tổ chức phổ biến kiến thức và các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho chủ các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tại KCN.
Việc đẩy mạnh truyền thông về ATTP đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP tới mọi người dân và cơ quan quản lý; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Qua đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP tăng. Tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về ATTP 6.024 cơ sở/11.246 cơ sở được quản lý; qua kiểm tra, số cơ sở đạt là 4.698 cơ sở, chiếm tỷ lệ 88%, số cơ sở vi phạm là 1.326 cơ sở (chiếm 22%), giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái (28,3%). Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể./.
Bài và ảnh: Minh Thuận