Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Sản phẩm nông nghiệp sạch của hội viên phụ nữ huyện Ý Yên tham gia trưng bày tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018”. |
Hằng năm, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng. Các cấp Hội phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ thông qua hoạt động: Tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành HTX, tổ hợp tác cho phụ nữ. Xây dựng các mô hình tổ liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ… hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau như lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật. Trong đó, đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Hằng năm, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy may công nghiệp, đan mây tre xuất khẩu, thêu ren, thêu túi kim sa, móc hộp sợi xuất khẩu… cho hàng nghìn lượt lao động nữ nông thôn. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nắm vững các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Các cấp Hội đã đa dạng hóa các hình thức dạy nghề tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương. Tiêu biểu như mô hình đan cói xuất khẩu của hội viên phụ nữ xã Xuân Phong (Xuân Trường), đan cói và bèo bồng xuất khẩu của phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Cùng với dạy nghề, các cấp Hội Phụ nữ còn phối hợp với ngành chức năng thành lập nhiều mô hình HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho hội viên phụ nữ như: Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); Tổ phụ nữ liên kết thêu màu xuất khẩu xã Yên Phú (Ý Yên); Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản); Tổ phụ nữ liên kết sản xuất hàng cói xã Nghĩa Đồng, Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản và rau màu sạch xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế xã Hải Sơn, HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu); các HTX: Hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); Tâm Sáng (TP Nam Định); Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng)... Hoạt động của tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX đã phát huy tính tự chủ, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, thông qua việc phát động các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ, nữ doanh nhân tiêu biểu, tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ tại địa phương. Tiêu biểu như: Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (TP Nam Định) tạo việc làm cho 30-40 lao động. Chị Vũ Thị Kim Tho, cơ sở sản xuất băng gạc y tế xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm cho 110 lao động. Chị Phạm Thị Thắm, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Chị Đoàn Thị Nho, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Nhật Tân (Xuân Trường), tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó lao động nữ chiếm 60%. Chị Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Cty Cơ khí Việt Thắng (Nam Trực), tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai Thị Nhung, Phó Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường), tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ doanh nghiệp Tám Lan, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), thường xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động, đồng thời hỗ trợ hàng trăm phụ nữ giống, vốn nuôi trồng thủy sản với số tiền hàng tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), chủ cơ sở sản xuất cói xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 250-300 lao động nữ thuộc 6 xã miền Hạ huyện, cho thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng. Chị Dương Thị Tuyết, Thị trấn Lâm, (Ý Yên), từ một hộ gia đình phụ nữ khó khăn, được vay vốn quỹ TYM, phát triển nghề đúc đồng truyền thống của gia đình, tạo việc làm cho hàng chục lao động… Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp cũng đã chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế và tạo việc làm. Đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH, NN và PTNT, Tổ chức tài chính vi mô (Quỹ TYM)... trên 1.796 tỷ đồng, hỗ trợ 65.973 hộ vay tại 2.064 tổ vay vốn và tiết kiệm, nhóm tín dụng tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có 43.856 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay với số tiền 1.052 tỷ đồng.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc. Tiếp tục hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay để phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm./.
Bài và ảnh: Lam Hồng