Phụ nữ Nghĩa Hưng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

07:07, 18/07/2018

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thu hút, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Giới thiệu sản phẩm của hội viên Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng trong “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2018”.
Giới thiệu sản phẩm của hội viên Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng trong “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2018”.

Các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực nhận ủy thác, quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ TYM, đồng thời có nhiều hình thức tiết kiệm để hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, các cấp Hội còn tập trung rà soát, nắm chắc số lượng các hộ nghèo, đặc biệt là đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, từ đó chủ động phối hợp với các ngành triển khai hoạt động hỗ trợ vay vốn, tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi. Các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”… được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kết quả công tác chuyển đổi, phát triển nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. Thực hiện chương trình phối hợp về công tác đào tạo nghề, từ năm 2015-2018, Hội LHPN, Phòng LÐ-TB và XH, Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở 16 lớp đan lát thủ công cho 664 hội viên phụ nữ các xã, thị trấn và trên 400 hộ gia đình có nhu cầu tham gia học nghề để phát triển kinh tế. Kết quả sau 3 năm triển khai đã có tổng số 3.204 hộ và 3.517 người tham gia làm nghề đan cói với thu nhập bình quân đầu người từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản và trồng rau sạch” tại xã Nghĩa Bình. Các thành viên trong tổ đã mạnh dạn chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, hay bị nhiễm mặn sang đào ao thả cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng, trồng cà chua, rau màu các loại. Với quy chế hoạt động theo phương thức “3 cùng”: cùng giống, cùng kỹ thuật, cùng thời gian, các thành viên trong tổ đã hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện liên kết sản xuất giữa các hộ dân, mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Tại xã Nghĩa Ðồng, trước thực tế lực lượng khá lớn lao động nữ độ tuổi từ 45 trở lên ở địa phương không có việc làm, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức cho 7 lao động nữ đi học nghề đan cói xuất khẩu về dạy cho chị em trong xã, thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết đan cói xuất khẩu”. Mô hình thu hút hàng trăm hội viên độ tuổi từ 45-55 tham gia, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ. Cuối năm 2017, Hội Phụ nữ xã Nam Ðiền đã thành lập HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh gồm 7 thành viên nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao KHKT cho hội viên, tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa HTX với các đơn vị tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị cho người sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng. Tháng 7-2018, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Bình đã tổ chức khai trương mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết nghề đan cói xuất khẩu” với 15 thành viên tham gia. Hội LHPN huyện đã trao số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho Hội Phụ nữ xã Nghĩa Bình vay với lãi suất 0%, tạo nguồn vốn hoạt động cho “Tổ Phụ nữ liên kết nghề đan cói xuất khẩu”, từ đó phát triển và hướng tới nhân rộng nghề trên địa bàn. Trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng chú trọng phát triển các mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Tháng 7-2017 được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển, Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện mô hình nông nghiệp sạch khép kín không rác thải thông qua nuôi giun quế tại 2 xã Nghĩa Minh, Hoàng Nam. Qua 1 năm triển khai, 2 xã đã thành lập được 4 nhóm với 25 thành viên thực hiện nuôi giun quế, sử dụng các sản phẩm, phụ phẩm từ giun để phát triển chăn nuôi gà, vịt, ngan, lợn và trồng rau, cây xanh. Các thành viên không chỉ được tập huấn kỹ thuật nuôi giun quế, phương án trộn thức ăn hữu cơ trong chăn nuôi; hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh và vận hành nhóm mà còn được tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại xã Hải Sơn (Hải Hậu) để áp dụng triển khai tại địa phương. Ðến nay, 7 thành viên của xã Nghĩa Minh đã có 37m2 sinh khối giun, nuôi 245 con gà, 20 con ngan. 18 thành viên của xã Hoàng Nam có 62m2 sinh khối giun, chăn nuôi 569 con gà, 14 con ngan, 30 con vịt, 5 con lợn. Thành viên tiêu biểu phải kể đến chị Hải, chị Quý, chị Nhật (xã Nghĩa Minh); chị Thoa, chị Bích (xã Hoàng Nam). Mô hình đã hỗ trợ tăng thu nhập cho các hộ gia đình chăn nuôi nhờ việc giảm giá thành thức ăn đầu vào, gia cầm ăn thức ăn chế biến từ giun ít bệnh tật hơn, ít phải sử dụng thuốc thú y, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán sản phẩm cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp; đồng thời góp phần tích cực bảo vệ môi trường.

Với các hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã trở thành chỗ dựa vững chắc của hội viên trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên, giúp chị em tự tin vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội, tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM tại địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com