Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động

08:07, 25/07/2018

“Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” là một trong những chương trình trọng tâm của hoạt động công đoàn giai đoạn 2013-2018, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ), xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Cty CP May Hải Đường (Hải Hậu) thường xuyên tuyên truyền rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho người lao động.
Cty CP May Hải Đường (Hải Hậu) thường xuyên tuyên truyền rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho người lao động.

Theo đó LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn triển khai chương trình đến các cấp Công đoàn trong tỉnh, yêu cầu các cấp Công đoàn thực hiện tốt một số chỉ tiêu cụ thể: 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được tập huấn, đào tạo nghiệp vụ công tác công đoàn. 100% cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp được nghiên cứu quán triệt Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động. Hằng năm có từ 60% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Công đoàn các cấp tham gia, phối hợp với chính quyền đồng cấp, chủ sử dụng lao động đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động, từ năm 2015 có 60% trở lên CNLĐ trong đơn vị, doanh nghiệp đã qua đào tạo. Thực hiện chương trình, từ năm 2013 đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 8.951 buổi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan thu hút 353.046 lượt CNLĐ tham gia. Phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn. Phát hành 500 bộ tài liệu, trên 1.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng xã hội học tập, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Phát động phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” hằng năm tại các doanh nghiệp gắn với tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, kinh phí hỗ trợ người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp hoặc đào tạo lại cho CNLĐ chuyển đổi nghề nghiệp. Bố trí CNLĐ chưa qua đào tạo nghề đang làm công việc giản đơn tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề dưới hình thức bồi dưỡng, tập huấn, kèm cặp trực tiếp. Phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề… Kết quả, về trình độ học vấn, 75,3% CNVCLĐ tham gia học tập để đạt trình độ THPT và tương đương trở lên. Về kỹ năng nghề nghiệp, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã vận động, phối hợp với người sử dụng lao động tạo điều kiện để 80% đoàn viên, CNLĐ tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề, 55% đoàn viên, CNLĐ được đào tạo lại. Về kiến thức chính trị, pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) đã tư vấn trực tiếp cho 247 lượt người về pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; tư vấn gián tiếp cho 262 lượt người; tư vấn lưu động tại 2 khu, CCN, 5 doanh nghiệp cho hơn 700 lao động và cán bộ công đoàn cơ sở, qua đó giúp CNLĐ hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia quan hệ lao động. Về kỹ năng sống, hằng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền cho cán bộ công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn về chế độ, chính sách có liên quan đến đoàn viên, người lao động. Có 68,5% đoàn viên, CNLĐ được học tập, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nắm bắt thông tin, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bản thân, tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội. 72,5% đoàn viên, nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp trong các khu, CCN được học tập, tìm hiểu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn còn tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động. Nhiều công đoàn cơ sở khi tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động xây dựng chỉ tiêu cụ thể về việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động. Định kỳ tổ chức thi tay nghề làm căn cứ nâng bậc lương cho người lao động. Có biện pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích cán bộ, CNLĐ việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, trong công tác đào tạo nghề, LĐLĐ tỉnh còn tích cực chỉ đạo 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đào tạo của đơn vị gắn với thực hiện chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”. Từ năm 2013 đến nay, Trường Trung cấp Công đoàn tuyển mới 17 lớp với 1.461 học viên; phối hợp tổ chức 5 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 519 học viên; phối hợp tổ chức 7 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 240 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở. Trường Trung cấp Nghề số 8 đã tổ chức được 150 lớp, đào tạo cho tổng số 1.735 học viên theo các ngành nghề chủ yếu gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, may thời trang, hàn, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ…; phối hợp với 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho 510 CNLĐ, đào tạo nâng cao bậc thợ cho 540 CNLĐ. Kết quả đã có 2.613 học viên ra trường có việc làm và thu nhập ổn định trong các doanh nghiệp. Nhờ thực hiện tốt chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”, chất lượng đội ngũ CNLĐ của tỉnh ta những năm qua từng bước được nâng lên. Đặc biệt, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng. Lao động được đào tạo chuyên môn tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Riêng lao động trong các KCN tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng: công nhân đã qua đào tạo tăng 1,28 lần; có khoảng 1,1 vạn lao động từ lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển sang làm công nghiệp. Công tác đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động đã được quan tâm, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 30 nghìn lượt người. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, kỹ năng nghề của người lao động đã được nâng lên, do đó năng suất lao động, thu nhập tăng lên rõ rệt.

Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động. Đối với mỗi CNLĐ, cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và kỹ năng làm việc theo nhóm, từ đó phát huy sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệp làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển bền vững doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.   

Bài và ảnh: Lam Hồng 

 


Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com