Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới

07:07, 18/07/2018

Những năm qua các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự tham gia của cả nữ và nam giới. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân ở cộng đồng về giới và bình đẳng giới.

Cty CP Dệt lụa Nam Ðịnh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 500 lao động nữ.
Cty CP Dệt lụa Nam Ðịnh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 500 lao động nữ.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) các cấp luôn chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của cán bộ, nhân dân. Hoạt động tuyên truyền được tiến hành đa dạng với nhiều hình thức, nội dung phong phú hướng đến từng nhóm đối tượng; trong đó tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới và VSTBPN, các kiến thức về giới; kiến thức có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; về phòng chống bạo lực gia đình... Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề: “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Cấp ủy Ðảng, chính quyền, Ban VSTBPN các cấp thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trong các buổi họp khu dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: qua loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, phát tài liệu, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, các trường THPT, THCS thường xuyên tuyên truyền về bình đẳng giới qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép vào các giờ học giúp các em sớm nhận thức đúng về trách nhiệm giới và bình đẳng giới. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, hằng năm, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới và nghiệp vụ cho cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Nhiều sở, ban, ngành bố trí cán bộ chuyên trách công tác bình đẳng giới và VSTBPN góp phần phát huy năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Từ năm 2017 đến nay, Ban VSTBPN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 500 lượt cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp huyện, xã; tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Ban VSTBPN cấp tỉnh, cấp huyện. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tọa đàm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; cấp phát trên 8.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp. Các hoạt động trên đã dần hình thành, phát huy tốt hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác bình đẳng giới và xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Ban VSTBPN các cấp cũng đã tham mưu với cấp ủy Ðảng, chính quyền ở các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; tạo điều kiện cho chị em nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn; đồng thời quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực vào vị trí chủ chốt. Ðược sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò phụ nữ đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Số cán bộ, công chức, viên chức là nữ ở các cơ quan cấp tỉnh hiện nay là trên 5.300 người, chiếm 56% tổng số cán bộ; cấp huyện là gần 15.700 cán bộ nữ, chiếm 76,7%. Hiện nay, tại 29 sở, ngành của tỉnh có 203 cán bộ nữ là lãnh đạo từ cấp phó phòng và tương đương trở lên. Riêng cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể là 37 người, chiếm 18,2%. Nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ. Hằng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 30 nghìn lao động, trong đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 50%. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tập trung hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, thoát nghèo bằng việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðặc biệt, trong lĩnh vực gia đình, tỉnh chủ động xây dựng và triển khai các mô hình, các hoạt động của đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” với chủ đề: “Con khỏe ngoan là hạnh phúc gia đình”. Các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều phong trào đối với chị em gắn với việc thực hiện xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; triển khai sâu rộng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là do thái độ, nhận thức, hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn khá nặng nề. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm đầy đủ. Công việc gia đình phần lớn đều do phụ nữ gánh vác. Tình trạng ngược đãi, bạo lực phụ nữ và trẻ em gái cả về thể chất và tinh thần vẫn tồn tại. Nhằm không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ, thời gian tới, Ban VSTBPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này; đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về giới, bình đẳng giới. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, các tuyên truyền viên phụ nữ, tuyên truyền viên dân số cơ sở… Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến lao động nữ; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, rèn luyện để phát huy quyền làm chủ và bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com