Xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) hiện có 1.316 hộ dân, với gần 4.870 khẩu, trong đó có trên 2.690 người trong độ tuổi lao động. Là xã thuần nông nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Gia trại nuôi thủy sản kết hợp nuôi lợn của anh Phạm Huy Khá, ở xóm Nam, xã Mỹ Thịnh. |
Đồng chí Phạm Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thịnh cho biết: Hằng năm UBND xã chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động. Trong đó tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; qua đó đã nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của học nghề để có cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Trước khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, xã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp với lao động nông thôn như: chăn nuôi gia súc, trồng trọt, nuôi thủy sản, may công nghiệp, mây tre đan… Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2017, xã Mỹ Thịnh mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt cho 70 lao động. Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao… Hội Nông dân xã phối hợp với Ban Nông nghiệp xã hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng quy trình sản xuất theo công nghệ mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây trồng, vật nuôi... UBND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, các Cty, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học cho trên 1.000 lượt hội viên nông dân; đồng thời tạo thuận lợi cho hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, với dư nợ trên 400 triệu đồng để đầu tư, mở rộng gia trại, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập cao. Tiêu biểu như gia trại nuôi thủy sản kết hợp nuôi lợn với quy mô trên 1.000 con của ông Vũ Văn Khiêm, thôn Liêm Trại; gia trại chăn nuôi lợn quy mô trên 1.000 con của bà Lê Thị Huyền; gia trại của anh Phạm Huy Khá, ở xóm Nam, rộng hơn 1ha, nuôi thủy sản kết hợp nuôi lợn… Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành 52 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả, cây cảnh. Xã đã triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản… theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã quan tâm phát triển ngành nghề. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp tạo việc làm cho từ 10-80 lao động, gồm: Cty TNHH một thành viên May Trường Phúc, tạo việc làm cho trên 80 lao động; Cty TNHH Cơ khí thương mại Tân An; Cty Vật liệu xây dựng Loan Hoàng; Cty TNHH một thành viên Vững Hiền; cơ sở sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ. Xã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với những hoạt động hiệu quả, xã Mỹ Thịnh đã tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% (năm 2015) lên 45,2% (năm 2017). Tỷ lệ lao động có việc làm chiếm 98,83%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37,2 triệu đồng/năm. Đời sống được cải thiện, nhân dân trong xã tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi: đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Từ việc đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động góp phần để đầu năm 2018 vừa qua, xã Mỹ Thịnh đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM./.
Bài và ảnh: Minh Tân